Dẫn nhập:
Từ sâu thẳm trong con người, luôn chân nhận rằng có Thiên Chúa, dù rằng mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, người ta gọi Ngài với những tên gọi khác nhau. Trong cảm thức tôn giáo, trong suy tư triết học, đa số nhân loại nhìn nhận Ngài là Đấng quyền năng, phép tắc, siêu việt trên mọi loài thụ tạo. Những suy tư, những cảm thức tôn giáo nói chung của nhân loại dẫn họ đến thái độ kính sợ, ngưỡng vọng hay tôn thờ Ngài. Mặc dầu con người với lý trí tự nhiên có thể nhận biết có Thiên Chúa (chính Thiên Chúa do lòng nhân lành đã không để con người dò dẫm trong đêm tối của sự vô tri, Ngài đã mặc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm thánh ý Ngài.) nhưng vị Thiên Chúa đó là một điều gì đó vĩnh cửu hoàn toàn khác, hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn ở bên ngoài thế giới, ở bên kia thời gian, và chẳng liên hệ gì đến đời sống con người.
Thiên Chúa của Kitô giáo thì khác hẳn như vậy, chính Ngài (…) cách thế mạc khải cũng hết sức đặc biệt, bằng một hành động vô tiền khoáng hậu, Ngài đã sai phái con một nhập thể, nhập thế, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây không những là biến cố độc nhất vô song trong lịch sử mà còn là một biến cố làm nên lịch sử. Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ cố gắng trình bày vai trò của mỗi Ngội vị trong biến cố Ngôi Lời nhập thể, một trong những biến cố căn bản mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúa Cha.
Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”, (1Ga 4,8) nhưng không phải là một tình yêu mơ hồ khó hiểu, tình yêu Thiên Chúa thể hiện “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thật vậy, vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài muôn vật. Ngài tạo dựng con người như là trung tâm của công trình tạo dựng, trao phó mọi loài cho con người cai quản và sử dụng. sau khi con người phạm tội chống lại Ngài, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi mà lại hứa cứu độ nó. Chúa Cha là cha của các lời hứa, lịch sử có được ý nghĩa là chính nhờ Ngài. Trong suốt chiều dài lịch sử, con người tội lỗi luôn muốn khép lại những nẻo đường hướng tới tương lai thì Ngài lại là Đấng đã tạo ra muôn ngàn cơ hội cho sự sống và bảo vệ cho con đường ấy luôn rộng mở. Chúa Cha luôn là tác giả của mọi công trình yêu thương, từ tiếng gọi mọi loài mọi vật từ hư vô bước vào hiện hữu đến tiếng mời gọi con người từ tội lỗi sa đọa trở về kết hợp với Ngài. Chúa đã tạo dựng loài người cách lạ lùng thì việc Ngài cứu độ nó lại còn lạ lùng biết mấy! “khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới” (Gl 4,4). Chúa Cha chính là đấng đưa ra kế hoạch đầy yêu thương này, kế hoạch đời đời của Ngài dành cho nhân loại. Có nhiều người cho rằng Thiên Chúa đã quá “liều lĩnh” khi quyết định sai con mình xuống thế. Thiên Chúa, một cách bất khả vãn hồi, đã trao cho con người tự do và kế hoạch của Ngài có thể thất bại khi đối diện với tự do của con người. Ở điểm này ta thấy được rõ hơn rằng Thiên Chúa chỉ có một sự toàn năng duy nhất là là toàn năng trong tình yêu; một tình yêu bị tước đi mọi vũ khí.
Tóm lại, trong biến cố nhập thể, Chúa Cha chính là tác giả, là người đưa ra sáng kiến, là Người sai Chúa Con xuống thế. Tất cả sáng kiến và hành động đó xuất phát từ tình yêu là yếu tính của Ngài.
Chúa Con.
Trong mầu nhiệm Nhập Thể, con Thiên Chúa hạ mình (ngang hàng với con người) đến tột cùng đến nỗi không thể hạ mình hơn được nữa. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Đó là một sự tự hạ, tự hủy tận căn xuất phát từ tình yêu tuyệt đối. Ngôi hai Thiên Chúa, Đấng sinh ra bởi Chúa Cha theo bản tính, đồng bản thể Thần Linh với Chúa Cha lại chấp nhận nhập thể theo ý muốn của Chúa Cha để trở nên một con người như chúng ta. Biến cố này quả thật lớn lao và độc nhất vô song, chúng ta không thể tìm đâu ra dù trong bất cứ tôn giáo nào, một điều tương tự như thế. Biến cố con Thiên Chúa làm người lớn lao đến nỗi đối với tôn giáo Do Thái cũng như văn hóa Hy Lạp đương thời, nó đã trở thành một cớ vấp phạm. Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần xác nhận “phúc cho ai không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23). Làm sao trí khôn con người có thể hiểu được một vị Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối, vô hạn, bất biến lại trở nên một con người hữu hạn, tương đối, một chấm nhỏ trong thời gian. Đối với chúng ta, chúng ta ý thức rằng “đối với Thiên Chúa không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa dành cho loài người giúp cho chúng ta dám chắc rằng đó là điều nằm trong tầm tay của Ngài. Điều vô lý với lý trí của con người lại trở thành điều hữu lý trong tình yêu.
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Thiên Chúa ở cùng chúng ta bằng xương bằng thịt qua biến cố nhập thể. Thiên Chúa đã đi vào trong thế giới mà chính Ngài đã dựng nên. Vậy mà thiên Chúa vẫn không ngừng là Thiên Chúa, Ngôi lời nhập thể không vì thế mà suy giảm sự thánh thiện của Ngôi vị Thần linh; Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật để chúng ta được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa khi kết hợp với Ngài. Qua biến cố nhập thể, con Thiên Chúa trở nên Giêsu Na-za-ret, giê su Na-za-ret là Con Thiên Chúa. Ngôi hai Thiên Chúa không rũ bỏ nhân tính của mình từ lúc làm người. Đó là niềm hy vọng của con người được đi vào vĩnh cửu với Ngài.
Chúa Thánh Thần.
Khi tiếp cận với biến cố nhập thể, chúng ta thấy được hai điều căn bản. Thứ nhất, các tin mừng nhất lãm, nhất là Mát-thêu và Lu-ca khẳng định Maria là một trinh nữ khi Thiên Thần truyền tin. Mát thêu ám chỉ đến một lời của Ngôn sứ I-sai-a (Is 7, 14) về một người nữ sẽ sinh con và đặt tên là Emmanuel. Trong tường thuật của Thánh Lu-ca ta cũng thấy Đức Maria thắc mắc “việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Cứ theo như tự nhiên thì một con người sinh ra do bởi sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ; ở đây thì không hề có như vậy. Điều thứ hai giải đáp cho điều thứ nhất, cả Mát-thêu và Lu-ca đều nhấn mạnh đến tác động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần trong lúc Đức Maria thụ thai Đức Giêsu “bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 19); Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35). Việc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu được thực hiện nhờ một hành động đặc biệt của Chúa Thánh Thần mà không cần đến một người cha nhân loại. Điều này khẳng định về nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu. Ngài là Con Thiên Chúa, đã trở thành con của Đức Maria nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. biến cố nhập thể vừa diễn tả tương quan giữa Đức Giê su với Chúa Cha, vừa diễn tả tương quan của Ngài với Chúa Thánh Thần. Như thế, biến cố thụ thai đồng trinh là biến cố hết sức quan trọng trong việc mạc khải về dung mao Thiên Chúa Ba Ngôi. Ở đó, chân lý nền tảng được làm sáng tỏ: Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời của Chúa Giêsu từ lúc nhập thể cho đến khi kết thúc sứ vụ.
Kết Luận:
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo. Mầu nhiệm này được mạc khải cách tiệm tiến trong lịch sử cứu độ qua các biến cố khác nhau. Suy ngẫm về biến cố nhập thể, chúng ta không chỉ thấy chân lý về Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được mạc khải, mà còn thấy được tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến” (Tv 8, 5). Thế mà Chúa không chỉ nhớ đến chúng ta mà thôi, Ngài còn đích thân bước xuống với chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên một Con Người như chúng ta để chung chia những vui buồn, để thấu cảm thân phận làm người. Con chim xây tổ được ấp nở trong chính cái tổ nó đã xây! Tình yêu đó lý trí không thể giải thích một cách rốt ráo mà chỉ có thể được nếm cảm bằng trái tim đong đầy yêu thương. Thiên Chúa đã trở nên một Người giữa mọi người, thì con người đừng ai muốn làm một người trên mọi người.
212
Br. Phaolô Trần Đình Sáng CSSp
Bài trước