Nói về đức tin, Thánh Gia-cô-bê Tông đồ khẳng định rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gia 2,14). Đúng vậy, đức tin nếu không có hành động nhưng chỉ dừng lại ở môi miệng rằng tôi tin, chúng tôi tin mà thôi thì đức tin, niềm tin đó sẽ dễ bị lung lay, mai một và chết đi theo đúng nghĩa của nó. Tin tưởng hay đức tin cần được thể hiện qua hành động bên trong cũng như bên ngoài. Nếu tôi nói tôi tin nhưng mà tôi chưa thể hiện điều tôi tin ra thì tôi giống như là kẻ “a dua” theo người khác, tôi chỉ là kẻ nói trên môi miệng mà không có thực hành, không có minh chứng cho niềm tin của tôi. Cách mà chúng ta thể hiện đức tin hay niềm tin ra bên ngoài qua hành động làm chứng; tuyên xưng mạnh mẽ; kiên định điều mình tin trước những sóng gió của cuộc đời, xã hội; dám hi sinh sự sống để làm chứng và bảo vệ đức tin của mình… Tuy nhiên, ở đây, trong bài viết này, tôi muốn dừng lại ở một khía cạnh bên trong, điều mà các tổ phụ và chính Đức Maria đã làm khi họ thể hiện niềm tin của mình, đó chính là PHÓ THÁC. Tôi xin mạo muội ví cho hai hành động này như là hai người bạn thân cùng đi chung một con đường và không bao giờ tách rời nhau.

Dân gian ta vẫn thường luôn miệng nói về mối tương quan mật thiết không tách rời nhau được qua những câu ví von như: “Đồng tiền đi liền với khúc ruột.” Hay để nói lên một sự kết hợp mỹ mãn trong nghệ thuật nấu ăn, dân gian thường ví von rằng:
Con gà tục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Ông ơi đi chợ mua tôi củ riềng.
Những ví von trên là để nói lên rằng với những món ăn đó thì cần phải có những thứ gia vị đó thì mới tạo nên được mùi vị và sự tuyệt hảo cho những món ăn. Một kinh nghiệm thực tế và cũng là những đúc kết mỹ mãn trong đời sống dân gian. Hay một trong những câu ca dao mà ông cha dùng để dạy con cháu về mối tương quan thân thiết trong gia đình: “Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.” Anh em trong nhà cũng giống như là các chi thể trên một thân thể con người không thể tách rời nhau. Qua đó, ông cha căn dặn chúng ta hãy luôn biết sống yêu thương, đùm bọc và hòa thuận với nhau. Trở lại với chủ đề, tin tưởng và phó thác cũng được ví như một đôi bạn không thể tách rời nhau. Cả hai cần được luôn nên một với nhau trong một con người. Vậy mối tương quan này cần được hiểu như thế nào?
Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử qua các nhân vật nổi bật về đức tin, tin tưởng tuyệt đối. Trong Cựu ước, một nhân vật mà chúng ta không thể không biết khi nói về đức tin, đó chính là tổ phụ Ap-ra-ham, cha của những người tin. Nói một chút về đức tin của ông, chúng ta thấy được “đôi bạn thân – tin tưởng và phó thác” rất rõ ràng trong con người của ông. Được Thiên Chúa chọn làm tổ phụ của dân Ngài, gọi ra đi đến một vùng đất mới để lập nghiệp và sinh sống, nơi mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho biết. Ông ra đi mà không biết mình đi đâu, về đâu và phía trước như thế nào. Thiên Chúa cũng không nói ngay lúc đó một cách rõ ràng về điểm đến mà chỉ nói ông cứ đi và sẽ chỉ cho biết nơi đến sau đó. Quả thật đây là một thách đố cho ông và chi tộc. Được gọi rời bỏ quê hương xứ sở, nơi mà ông và chi tộc đang sinh sống rất ổn định, an nhàn, sung túc đầy đủ. Xét theo lẽ tự nhiên, có lẽ chúng ta sẽ không chấp nhận. Thế nhưng, Ap-ra-ham đã làm điều khó tưởng đó. Ra đi với lòng tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên ý của Chúa mà không một tiếng than trách hay phàn nàn, thắc mắc hay phản ứng. Ông tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa một cách tuyệt đối và hoàn toàn phó thác cho ý định Thiên Chúa được thực hiện nơi ông. Một đức tin mạnh mẽ mà có lẽ Thiên Chúa cũng phải nể phục con người ông.
Một minh chứng khác về đức tin của ông mạnh đến mức độ nào. Được Thiên Chúa hứa ban cho một người con trai ở độ tuổi gần đất xa trời, trong bối cảnh vợ chồng không có con, quả là một điều khó tin đối với một người phàm. Điều đã làm cho Sara vợ của ông phải cười phịt lên vì chuyện “vô cùng ảo tưởng” đó. Ở cái tuổi mãn kinh này thì lấy đâu ra khí huyết nữa mà sinh con chứ! Ngài cứ đùa! Ngược lại, Ap-ra-ham lại tin rằng với Thiên Chúa thì không điều gì là không thể. Một lần nữa ông lại cho thấy “đôi bạn thân” ấy rất rõ trong con người ông. Chuyện chưa dừng lại ở đó, ông Ap-ra-ham còn cho thấy được đỉnh cao của đức tin nơi ông khi mà Thiên Chúa thử thách ở một bối cách có thể nói là quá “dã man” khi Ngài đòi buộc ông phải hiến tế chính đứa con đích tôn của mình làm của lễ cho Ngài. Theo ngôn ngữ người phàm mà nói thì quả thật Thiên Chúa chơi một cú quá đau với ông Apraham. Thử tưởng tượng xem tâm trạng của ông Abraham đau khổ như thế nào khi Thiên Chúa đòi hỏi như vậy nơi ông. Phải lựa chọn ai đây, Thiên Chúa hay con ruột chí tôn của mình? Phận làm cha, có được mụm con ở cái tuổi gần đất xa trời ấy thì còn gì bằng được nữa. Chưa vui được bao nhiêu thì giờ chính Đấng ban người con ấy cho mình là bắt mình phải hiến tế nó một cách đau đớn như vậy. Nếu đặt mình vào trường hợp của ông, ai trong chúng ta có thể làm theo yêu cầu Thiên của Chúa được?
Tuy nhiên, Abraham đã dám làm điều đó. Nếu bạn xem phim đến cảnh này chắc bạn sẽ có những cảm xúc lẫn lộn, khóc vì cảm thấy đau đớn thay cho Abraham và có thể tức giận cực độ vì đòi hỏi “mất nhân tính” của Thiên Chúa… Quả thật là không thể chấp nhận được. Không biết Abraham nghĩ sao mà dám làm điều đó với con mình chứ? Sao mà cha lại nhẫn tâm giết con trai duy nhất của mình chỉ vì lời yêu cầu của một Ông vô hình nào đó chứ? Ông mất trí rồi sao?…Những loạt câu hỏi đó có thể được đặt ra từ phía “khán giả” xem phim dành cho ông Abraham. Nhưng “khán giả” không thể hiểu được rằng một thế lực mạnh hơn đã giúp ông dám làm điều đó, đó chính là “đôi bạn thân – tin tưởng và phó thác.” Chẳng lẽ ông biết được là Thiên Chúa đang đùa giỡn, đang thử lòng ông hay sao mà ông làm điều đó? Tôi không nghĩ như vậy mà là do đức tin cực mạnh của ông cùng với sự phó thác tuyệt đối vào chương trình của Thiên Chúa nên ông đã làm điều không tưởng. Và rõ ràng là Thiên Chúa đã “thua” lòng tin của ông. Đến cảnh này, “khán giả” được một phen hả dạ, hạ hỏa khi mà Thiên Chúa bảo ông dừng tay. Cảnh này đưa “khán giả” là chúng ta hết từ cảm xúc này sang cảm xúc khác. Đây thực sự là đỉnh cao của tình yêu dâng hiến vì đức tin và niềm phó thác tuyệt đối vào chương trình và Thánh ý của Thiên Chúa. Ở đỉnh điểm này, Abraham cho chúng ta thấy được rằng “tin tưởng và phó thác” không thể tách rời nhau trong đời sống đức tin của chúng ta. “Đôi bạn thân” ấy vẫn tiếp tục đi chung một con đường cho đến khởi đầu của Tân Ước, nơi một thiếu nữ chân yếu tay mềm – Maria. “Đôi bạn thân” ấy thể hiện ở đâu trong con người Maria? Chúng ta hãy cùng xem tiếp “bộ phim” này ở phần hai sau đây.
Maria, một thôn nữ sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo. Cô đã đính hôn với một anh chàng tên là Giuse, người trong làng, khi đã đến tuổi lấy chồng theo luật tự nhiên. Hai người đã có hôn ước và rất trung thành, chung thủy với nhau chờ đợi ngày ra mắt họ hàng hai bên và hàng xóm láng giềng. Hai người vẫn sống và giữ đức trinh khiết cho nhau cách tuyệt đối. Thế mà, một ngày nọ, tự nhiên đâu ra một ông Thần xuất hiện báo cho nàng một tin kinh hoàng: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.” (Xin phép dùng ngôn ngữ bình dân để tưởng tượng lại bối cảnh lúc đó theo phiên bản Việt Nam) “Trời đất quỷ thần ơi! Chuyện kinh thiên động địa gì thế này? Tôi và vị hôn ước của tôi làm gì đã ăn nằm với nhau đâu mà thai với thiếc gì ở đây chứ? Ông có bị khùng không vậy hả? Ông từ đâu đến và tại sao lại đến đây?” “Cứ từ từ! nghe ta nói cho xong đã. Ta là sứ thần của Thiên Chúa được sai đến để báo cho cô một tin mừng trọng đại. Chính là Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên cô và sẽ thụ thai Con Một Thiên Chúa đấy. Đây là đặc ân mà Thiên Chúa ban cho thiếu nữ chứ không phải do người phàm nào tạo nên. Thế cô nương đã hiểu chưa?” “Này tôi đây là nữ tì của Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi lời Sứ thần truyền,” Maria đáp lại.
Có lẽ Maria vẫn chưa hết kinh hoàng sau một phen giật mình trước lời loan tin của vị Thiên sứ ấy. Tự dưng ở đâu ra một người đàn ông lạ báo tin như vậy thì làm sao mà có thể tin ngay được. Nhưng giống như Abraham, Maria đáp lại tiếng xin vâng theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng rằng đó là việc Thiên Chúa muốn thực hiện nơi cung lòng của mình. Tin và phó thác hoàn toàn cho ý định của Thiên Chúa, “xin hãy thực hiện nơi tôi.” Tôi thấy đâu đây một sự liều lĩnh không hề nhẹ nơi Maria. Rõ ràng là Maria có đủ khả năng để hiểu biết rằng việc mang thai một con người theo luật tự nhiên là phải luyến ái với một người nam. Hơn thế nữa, Maria đang ở trong tình trạng giao ước với Giuse qua hôn ước đã được thực hiện trước đó, nên việc thụ thai do một người khác ngoài Giuse là một phạm pháp mà theo luật nàng sẽ bị ném đá đến chết. Thánh Thần Chúa là ai mà lại ngự xuống trên tôi để tôi thụ thai chứ? Lúc đó làm gì đã có khái niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa để Maria biết rằng đó là Ngôi Ba. Nhưng mà Maria tin rằng vị Thánh Thần đó phải là một người thuộc về Thiên Chúa và phải là được Thiên Chúa sai đến thì mới có năng quyền như vậy. Vì thế mà nàng đã liền miệng nói xin vâng không chút đắn đo gì nữa. Đây quả thật là một sự liều lĩnh quá sức đối với một thôn nữ đã có đính ước. Cô không hề suy nghĩ thêm và xin thời gian để suy nghĩ và bàn hỏi với Giuse, chồng tương lai, và cha mẹ cũng như họ hàng của mình. Một mình tự quyết định vâng theo thánh ý Chúa mà không cần hỏi han ý kiến của ai. Nếu gia đình và hàng xóm biết được tin này thì cô nàng này khó tránh khỏi một trận đòn thể xác cũng như tâm lý.
Kinh Thánh không kể rõ chi tiết về bối cảnh sau đó. Tôi có thể tưởng tượng ra được tâm trạng vừa vui nhưng cũng vừa lo lắng của Maria. Vui vì mình được chính sứ thần Chúa đến gặp và báo cho một tin mừng trọng đại là sắp thụ thai và hạ sinh Con Một Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc sắp được làm Mẹ Thiên Chúa. Điều chẳng ai khác ngoài nàng được diễm phúc đón nhận. Nhưng ngược lại nàng cũng lo lắng vì phải nói thế nào với Giuse, vị hôn ước của mình hiểu điều này đây. Cha mẹ, họ hàng và làng xóm sẽ làm gì khi nhận được tin này đây? Thế nhưng, việc Chúa làm thật đáng ca ngợi khi mà vị hôn ước của Maria quá ư là bình tĩnh và rộng lượng. Tuy vậy, lời của Maria thực sự là một cú sốc rất lớn cho chàng. Nhưng Thiên Chúa đã không để cho chàng phải nghĩ ngợi gì nhiều khi sai sứ thần lần thứ hai xuống báo mộng cho chàng về sự việc trọng đại mà Thiên Chúa thực hiện nơi vợ tương lai của mình. Vui mừng, tin tưởng và phó thác vào chương trình của Thiên Chúa, Giuse đã cùng Maria giữ bí mật cho nhau và cùng nhau thực hiện lời Chúa phán. Quả thật, Giuse đã tin và hành động một cách tuyệt vời với đức tin của mình qua việc hi sinh to lớn là một đời làm người bạn đời trong hoàn cảnh cả hai trinh khiết vẹn toàn cho chương trình và tình yêu của Thiên Chúa.
Thế đấy! Qua hai chứng nhân về đức tin và hành động phó thác đi liền của hai đại diện đến từ Cựu ước và Tân ước, chúng ta có thể thấy được rằng, nếu tin mà không dám hoặc không bao giờ phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, cho chương trình của Ngài thì đức tin đó rất dễ dàng bị mai một, lung lay và tan biến trong giây lát. Đó là những minh chứng rất rõ ràng về đức tin và phó thác trong Kinh Thánh, còn trong đời sống hàng ngày của chúng ta thì sao? Chúng ta hãy cùng có một cái nhìn cụ thể về khía cạnh hiện tại.
Xét theo tương quan với Thiên Chúa, giống như hai nhân chứng đã nêu trên, chúng ta thấy rằng tin tưởng vào Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta cũng cần phải phó thác cho Thiên Chúa điều mà chúng ta tin. Đức tin cần phải có hành động phó thác thì đức tin ấy mới bền vững và trọn vẹn. Trong đời sống đức tin của chúng ta, thực sự mà nói thì giống như Chúa Giê-su vẫn hay khiển trách các môn đệ của mình “sao anh em lại kém lòng tin như vậy?” Về khía cạnh đức tin, chúng ta cũng phải công nhận rằng đức tin của chúng ta chưa đủ mạnh để chúng ta phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa như Abraham hay Maria. Tin mà không nghi ngờ, lo toan, tính toán hay ngập ngừng quả thật là điều không phải ai cũng làm được. Tin mà dám hi sinh, dám liều mạng, dám để cho người đời khinh bỉ, chê cười, mỉa mai… quả thật là điều không dễ dàng.
Chúng ta, những người con được sinh ra từ tổ phụ Abraham, cha của những người tin, nhưng thử hỏi đức tin của chúng ta đang ở mức độ nào so với tổ phụ. Chúng ta đang tin vào một Vị Thiên Chúa vô hình, một Vị mà chúng ta không bao giờ gặp trực tiếp và cũng không thể đưa ra làm chứng cho dân ngoại rằng đây là Đấng chúng ta tin. Một Vị luôn nghe lời chúng ta nói, biết mọi ý nghĩ của chúng ta nhưng lại không một lời đáp lại hay trả lời những câu hỏi của chúng ta bằng ngôn ngữ loài người. Tại sao chúng ta lại phải tin vào Vị ấy? Chúng ta tin vì đức tin không phải là của chúng ta nhưng là một ân huệ mà chính Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta tin vì Thiên Chúa đủ uy quyền và sức mạnh để làm những điều Ngài muốn nơi chúng ta. Một Thiên Chúa luôn dõi theo, đồng hành và luôn một lòng yêu thương chúng ta cách âm thầm. Tin tưởng chính là một hành động đáp lại tình thương mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Thế nhưng, tin không thì chưa đủ, tin cần đi với hành động phó thác thì mới trở nên trọn vẹn. Tôi dám tin và tôi xin phó thác vào Thiên Chúa rằng những điều tôi tin là sự thật. Tôi xin phó thác mọi sự nơi Chúa vì Chúa luôn biết và thực hiện nơi tôi những điều tốt đẹp nhất cho tôi. Tôi tin và tôi không có một chút nghi ngờ vào điều tôi tin. Điều mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta khi chúng ta tin là niềm phó thác vào tay quan phòng của Ngài. Ngài sẽ luôn thực hiện điều Ngài muốn nơi chúng ta hầu chúng ta được nên thánh với Ngài. Vì thế, phó thác cần luôn đi liền với niềm tin tưởng. Chúng ta tin vào sự sắp đặt của Thiên Chúa nơi chúng ta khi còn ở thế gian này và phó thác nơi Ngài để Ngài thực hiện Thánh ý của Ngài nơi chúng ta.
Xét về mối tương quan giữa con người với nhau, theo tôi, mối quan hệ mật thiết của “đôi bạn thân” này cũng nên được giữ trọn. Có rất nhiều mối quan hệ trong cuộc sống: cha mẹ và con cái, vợ chồng với nhau, họ hàng, anh chị em trong gia đình, bạn bè, thầy cô và học trò, bề trên và bề dưới, các nhà lãnh đạo và dân chúng, cha xứ và giáo dân, v.v. Theo tôi trong mối tương quan nào thì chữ Tín cũng nên được tôn trọng và đề cao. Ông cha ta vẫn thường dạy “một lần mất tín thì vạn lần mất tin.” Điều này nói lên rằng niềm tin trong các mối quan hệ là rất quan trọng nếu chúng ta muốn giữ lâu dài các mối tương quan đó. Vì thế, để có được mối tương quan tốt và bền vững, mỗi người trong chúng ta nên tôn trọng và sống đúng chữ tín với nhau. Để cho “đôi bạn – tin tưởng và phó thác” được luôn hiện hữu trong các mối tương quan, mỗi người cần phải xây dựng và vun đắp trước hết cho niềm tin nơi người khác. Khi chúng ta tin tuyệt đối vào ai đó thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng phó thác điều chúng ta tin nơi người đó. Hoặc khi chúng ta được ai đó tin tưởng cách tuyệt đối thì họ cũng sẽ sẵn sàng giao phó cho chúng ta những công việc quan trọng vì họ tin rằng chúng ta sẽ làm được. Ngược lại, chữ tín cũng rất mong manh khi nó phải đứng giữa hai thái cực đối lập nhau. Một là tin tuyệt đối, hai là mất tin mãi mãi. Và một khi đã mất chữ tín thì việc lấy lại nó cũng thật là khó. Chỉ cần một lần mất tín thì vạn lần mất tin. Tuy nhiên, một cách tích cực mà nói thì không phải lúc nào cũng mất tín một lần thì vạn lần mất tin. Điều này tùy vào các mối tương quan, tùy vào đối tượng và hoàn cảnh.
Chúng ta hãy đơn cử một vài mối tương quan trong cuộc sống để thấy được tầm quan trọng của “đôi bạn thân” này. Cha mẹ khi tin tưởng con cái mình, họ sẽ giao phó cho con cái mình những công việc mà họ tin rằng con cái họ sẽ làm được. Nếu họ tin vào khả năng của con mình nhưng lại vẫn còn sự nghi ngờ trong đó nên không dám giao phó cho nó những việc này việc kia để chúng có cơ hội thể hiện khả năng thật của mình thì niềm tin đó chưa trọn vẹn. Ở chiều ngược lại, một khi con cái tin tưởng vào cha mẹ mình thì chúng thường phó thác mọi sự nơi họ và yên tâm vì cha mẹ mình luôn làm được điều mà chúng nó mong đợi và đặt niềm tin. Nhưng nếu cha mẹ đánh mất niềm tin nơi con cái thì làm sao chúng nó dám tin tưởng và phó thác nơi họ nữa. Vợ chồng tin tưởng và phó thác cho nhau thì cuộc sống gia đình và hôn nhân của họ trở nên mỹ mãn vì họ luôn đặt niềm tin nơi nhau và giao phó đời mình cho nhau. Ngược lại, khi họ đánh mất niềm tin vì sự ích kỷ, ghen tương, tham lam, hèn hạ, đố kị…thì cũng là lúc sự phó thác không còn nữa. Đơn giản có lẽ là vì họ sợ bị lừa gạt, bị trở mặt, bị gài bẫy…và đây cũng là lúc niềm tin nơi nhau không còn nữa, đồng nghĩa với việc tình yêu mà họ dành cho nhau cũng dần rạn nứt và bị nới rộng khoảng cách. Đời tu nếu niềm tin và sự phó thác nơi nhau luôn hiện diện trong mỗi cộng đoàn và trong các mối tương quan cá nhân với nhau thì đời tu sẽ trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Nếu bề trên tin tưởng và giao phó nơi bề dưới tùy theo khả năng của mỗi người thì bề trên đang cổ võ và giúp cho đương sự phát triển về ơn gọi của họ một cách hợp lý. Hơn thế nữa, bề trên cũng đang tạo nên một mối tương quan tốt với đương sự khi họ cảm thấy được bề trên đặt niềm tin vào họ. Ở chiều ngược lại, khi bề dưới đặt niềm tin tuyệt đối vào bề trên thì họ cũng dễ dàng sẵn sàng phó thác nơi bề trên như cha mẹ của mình. Điều này cũng tương tự trong các mối quan hệ khác trong xã hội.
Tuy vậy, trong bất cứ mối quan hệ nào thì “đôi bạn thân” này cũng cần đi chung với nhau thì mới tạo nên được một mối tương quan tốt đẹp và bền vững. Nếu chúng ta chỉ nói là tôi tin nhưng lại không dám phó thác hay giao phó nơi người khác thì lời nói đó cũng giống như là làn gió bay ngang rồi đi mất. Niềm tin sẽ ở lại khi chúng ta dám phó thác và giao phó cho người mà chúng ta đặt niềm tin. Miệng thì nói tin nhưng không dám hành động vì niềm tin thì chỉ như “con bướm đậu rồi lại bay.” Niềm tin rất dễ bị đánh mất nếu chúng ta cho phép “kẻ thứ ba” xen vào mối tương quan giữa hai người. Kẻ thứ ba đó chính là sự dối trá, lừa đảo, ích kỷ, hẹp hòi, tính toán, tham lam, ganh tị, nghi ngờ, hiếu chiến, hiếu thắng… Mất niềm tin đồng nghĩa với mất luôn cả sự phó thác. Không có niềm tin thì lấy đâu ra sự phó thác, giao phó. Vì thế, niềm tin cần và phải được ưu tiên trước rồi theo sau là sự phó thác. Dám tin và dám phó thác sẽ làm nên những điều cao quý cho cuộc sống của chúng ta.
Như một lời kết, tôi vẫn tin rằng “tin tưởng và phó thác là một đôi bạn thân luôn đi chung một con đường.” Đôi bạn này vẫn luôn cần đến nhau và bổ túc cho nhau trong mọi mối tương quan trong cuộc sống, đặc biệt là tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Theo gương sáng của các tiền nhân như tổ phụ Abraham và Mẹ Maria và nhiều tiền nhân khác, chúng ta được mời gọi sống trọn niềm tin mà chúng ta được xây dựng và vun đắp, đồng thời luôn đặt niềm phó thác nơi Chúa qua chương trình của Ngài, mỗi ngày trong đời sống. Ngoài ra, trong các mối tương quan trong cuộc sống, chúng ta cũng cần tôn trọng và xây dựng niềm tin và sự phó thác nơi nhau để cuộc sống đượm tình yêu thương và thêm màu ý nghĩa hơn. Hãy xây dựng cho nhau niềm tin đích thực và chắc chắn. Đừng để “kẻ thứ ba” xuất hiện và xen vào mối tương quan của hai người. Một lòng cao thượng, hi sinh, và chân thành sẽ là điều cao quý và quan trọng trong việc tạo nên và xây dựng niềm tin và sự phó thác nơi nhau.
– Giuse Nguyễn Văn Định, CSSp. –