Sống tách biệt khỏi xã hội, với một thời gian biểu lạ kỳ: chỉ ăn, đọc kinh-cầu nguyện, học bài, xét mình rồi đi ngủ, và ngẫm đến chuyện đi đâu, làm gì cũng phải xin phép, người đời luôn cho rằng “Đi tu chẳng khác gì đang ‘ở tù’!”. Thế nhưng “người lạ ơi”, đừng chớ vội xét đoán, chẳng qua các Thầy chỉ là đang “đi tu” thôi mà! Bạn có thể buồn chán với cuộc sống ấy, đâu có nghĩa là họ cũng như vậy, phải không?
Đến với Dòng Chúa Thánh Thần, được thử một lần tách ra khỏi cuộc sống hối hả, bận rộn nơi Sài Thành, chúng tôi đã có dịp hoà mình vào một lối sống đơn sơ, giản dị nhưng đầy ấp tình anh em và tràn ngập tiếng cười của các Thầy nơi đây. Có lẽ đây là lần đầu tiên, chúng tôi cảm nhận được một cách rõ nét nhất chúng tôi đang được bao bọc trong một bầu khí gần gũi và thân tình hơn bao giờ hết. Thật vậy , các Thầy ở Dòng Chúa Thánh Thần cười mãi thôi, cứ mỗi lần nhìn thấy họ vui, họ cười, họ đùa giỡn với nhau, lòng chúng tôi bỗng dưng rộn ràng và vui tươi hơn hẳn.
Sẽ là rất thiếu sót nếu chúng ta chỉ nhìn về đời tu dưới những nét đẹp hoàn mỹ.
Thế nhưng, sẽ là rất thiếu sót nếu chúng ta chỉ nhìn về đời tu dưới những nét đẹp hoàn mỹ, nào là đời tu như “cõi phúc” mà mọi người đều mơ tưởng, đều ca khen. Cũng hoàn toàn giống như chúng ta, nơi sâu thẳm trong tâm hồn các Thầy đều mang riêng cho mình một nỗi niềm. Có thể đâu đó lại là một nỗi đau, một mơ ước, một niềm khát khao mà chẳng thể nào chia sẻ cùng ai.
Qua những trải nghiệm và các bài giảng vô cùng sâu sắc của Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, lớp trẻ chúng tôi đã có thể cảm nhận rằng tất cả các cung bật cảm xúc khác nhau đã được đánh động và trỗi dậy một cách mãnh liệt trong trái tim của từng tham dự viên nơi cộng đoàn Thánh Thần này. Quả thật, ơn gọi tu trì là Chặng Đàng Thánh Giá cả đời. Tôi đã thật sự chảy nước mắt, khi nghe lời chia sẻ tận sâu đáy lòng của các Thầy. Giờ đây, các Thầy đã có những nhận định sâu sắc hơn về hai chữ “Tha thứ”, rằng duy nhất chỉ có sự vị tha, khoan dung và lòng thương xót đối với những người anh em dù là vô tình hay hữu ý làm tổn thương mình, đó mới chính là những giá trị sống cốt lõi trong cuộc đời một người Ki-tô hữu. Các Thầy đã tìm được niềm vui sâu thẳm, chảy tràn trong tâm hồn, niềm vui tột cùng khi chạm tay đến ngưỡng của của sự chấp nhận và tha thứ tuyệt đối, nghĩa là tha thứ như chính Thiên Chúa đã thứ tha, yêu thương, và Người đem hết mọi tội lỗi của thế gian vào mình mà mang lên thập giá. Quả thật, sẽ là rất bình thường khi bạn đối xử tốt với một người tử tế và yêu thương bạn, nhưng vượt qua nỗi đau mà đối xử tốt với cả những người đã làm tổn thương mình mới chính là những đứa con đích thực của Thiên Chúa.
“Vượt qua nỗi đau mà đối xử tốt với cả những người đã làm tổn thương mình,
mới chính là những đứa con đích thực của Thiên Chúa”
Vậy thì vượt qua nỗi đau bằng cách nào?
Có thể nói, chứng lý mạnh nhất mà những người theo chủ nghĩa vô thần dựa vào đó để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, đó là đau khổ và sự dữ. Họ cũng dựa vào hai phẩm tính của Thiên Chúa: Toàn năng và yêu thương, mà “lên án tử” cho Ngài. Thật vậy, một Thiên Chúa toàn năng không thể để cho đau khổ và sự dữ tồn tại nơi trần gian. Lại nữa, một Thiên Chúa yêu thương không thể dửng dưng trước những số phận nghiệt ngã của con người. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào những cuộc tranh luận về mặt trí thức vì như thế không dẫn đến đức tin. Nhưng tôi có thể quả quyết, chỉ chính khi biết chấp nhận, biết chọn cách đối diện với thập giá của mình theo một chiều hướng tích cực, và biết sống từng ngày trong đức tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, mỗi người chúng ta mới dễ dàng khám phá ra rằng trong từng khoảnh khắc sướng khổ của phận người, trong từng ngóc ngách của cuộc đời, trước mọi ranh giới của sự chịu đựng, đều có sự hiện diện sống động và tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa. Nghĩa là vượt qua nỗi đau bằng chính đức tin, tin rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi bất kỳ một ai, và chính Ngài sẽ hành động ở phút thứ 90, khi bạn đã chiến đấu bằng hết sức lực, hết trí khôn của mình, chắc chắn rằng cán cân công lý sẽ nghiêng về phía bạn, chỉ cần bạn không bao giờ nản chí mà bỏ cuộc. Và chúng tôi đã lần thứ hai chảy nước mắt khi nghe một Thầy chia sẻ rằng: “Chính Đức Giê-su Ki-tô đã làm nên ý nghĩa sống cho cuộc đời chúng tôi, khi Ngài hiện diện với chúng tôi trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, nhất là trong những lúc đau khổ, tưởng chừng như bế tắt và buông xuôi. Ngài luôn là nguồn hy vọng duy nhất của cuộc đời chúng tôi”.
“Ngài luôn là nguồn hy vọng duy nhất của cuộc đời chúng tôi”
Rồi Soeur Maria Hồng Quế cũng không quên gieo vào buổi thường huấn một thông điệp: “Đừng dừng lại tại thời điểm mà mảnh ghép của bức tranh là vô nghĩa với các Thầy, hãy cứ bước đi, hãy cứ bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình mà động viên, khích lệ những người anh em của mình. Sự chữa lành sẽ tự đến khi các Thầy lấy đi đau khổ trong chính tâm trí của mình và biến nó thành kinh nghiệm để chuyển hoá những người khác. Hãy tin rằng ở đâu đó, Thiên Chúa luôn đặt hồng ân trong mỗi nỗi đau mà Ngài tạo dựng”. Và quả thật, đỉnh điểm của niềm vui vỡ oà trong tôi chính là thời khắc các Thầy nghiệm ra rằng: tất cả mỗi người anh em của mình, tuy không hoàn hảo, nhưng họ đều là những bộ phận, những chi thể của Thiên Chúa, để cùng nhau, họ sẽ bày tỏ hình ảnh của Ngài và biểu lộ thân mình Ngài một cách rõ nét và sống động nhất, cho thế gian được chiêm ngắm.
Có ai đó đã nói rằng: “Quá khứ thuộc về lịch sử, tương lai còn đầy bí ẩn, hiện tại chính là “quà tặng” của Thiên Chúa”. Chúng ta đã lãnh nhận hiện tại từ tay Thiên Chúa ban cho, vậy tại sao chúng ta lại không là những Nụ Cười của Ngài, nơi trần thế?