“Thập giá tán dương tình yêu vinh thắng uy hùng” lời bài hát đâu đó được vang lên trong ngày thứ Sáu tuần Thánh để giương cao Thập giá nơi treo Đấng Cứu Chuộc trần gian. Thập giá bây giờ không còn chỉ là một khúc gỗ mộc, xù xì, mục nát, thứ dùng để treo kẻ tội đồ nữa mà là nơi tỏa chiếu một tình yêu dâng hiến trọn vẹn, đỉnh cao của tình yêu hiến thân vì người mình yêu. Vì sao vậy? Bởi vì Thập giá ấy đang treo chính Đấng Cứu Thế là Con Một Thiên Chúa, Đấng đã bị thế gian kết án vào hàng phạm nhân. Thế nhưng, tại sao Thập giá ấy lại chính là đỉnh cao của tình yêu dâng hiến? Phải chăng hình ảnh đó có mối tương quan gì đến đời sống dâng hiến hôm nay? Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về khúc gỗ hình chữ thập mang tên Giê-su đó để khám phá ra ý nghĩa của thập giá là đỉnh cao của tình yêu dâng hiến là như thế nào.
Âm thầm ngự giá trần gian trong một nơi tối tăm, lạnh lẽo, hôi thối, nghèo nào để được mặc lấy thân phận con người, Giê-su đã làm nên một dấu ấn tuyệt vời cho tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài không chọn nơi cao sang quyền thế để giáng trần nhưng lại chọn một nơi hoàn toàn thuộc về tầng lớp nghèo nàn nhất của xã hội. Ắt hẳn Ngài muốn nói với chúng ta về mầu nhiệm đó. Vâng! Đó là vì tình yêu Ngài muốn dành trọn cho nhân loại khi đặt mình vào chính hoàn cảnh của họ, điều mà thánh Phao-lô nhắc đến trong thư của Ngài gửi tín hữu thành Rô-ma: “Vui với người vui, và khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Nghèo ở đây không chỉ nói đến nghèo về vật chất như chúng ta hiểu theo nghĩa đen mà là nghèo về tinh thần. Giê-su nhìn thấy cái nghèo đó nơi nhân loại khi họ đánh mất ơn nghĩa với Chúa, khước từ Thiên Chúa, chạy theo thế gian…Ngài đã đến để cảm thông cho cái nghèo đó của nhân loại, để dâng đời mình làm của lễ toàn thiêu chuộc lại mối tình giữa nhân loại và Thiên Chúa mà họ đã đánh mất khi lìa xa Chúa.
Không dừng lại ở việc làm người, sống như con người và với con người, Giê-su còn sẵn sàng hiến dâng thân mình để dâng trọn vẹn đời mình thành hi lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha làm của lễ đền tội thay cho nhân loại, nói một cách bình dân là làm “vật thế thân” cho nhân loại. Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã không chọn cho mình một cái chết nhẹ nhàng, êm ái, hay bớt đau khổ thân xác, nhưng Giê-su đã chọn đúng cái chết mà chính những phạm nhân phải chịu khi họ bị đưa ra pháp đình. Dù là Con Thiên Chúa quyền năng, nhưng Người đã không chọn cách khác ngoài cái chết theo đúng quy luật sinh tử của con người. Vẫn bị đánh, vẫn bị tra hỏi, vẫn bị làm nhục, vẫn phải vác thập giá lên đỉnh đồi nơi người ta sẽ hành hình, vẫn phải bị đóng đinh như bao kẻ tội đồ khá. Đó là Giê-su, Con Một yêu dấu của Thiên Chúa đấy!
Cái chết của Giê-su, nếu chỉ nhìn vào khía cạnh nhãn quan nhân loại thì đó chỉ là cái chết theo lẽ thường của một phạm nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào cái chết đó theo một nhãn quan đức tin và sự dâng hiến trọn vẹn, chúng ta sẽ thấy được một nét tuyệt hảo từ thập giá nơi treo thân xác Ngài tỏa ra. Nếu xét theo nhãn quan nhân thế thì nơi Thập giá ấy cũng chỉ là một phạm nhân đáng bị trừng phạt theo luật người đời; nhưng với con mắt đức tin, thì Con Người ấy, trên thập giá ấy không chỉ dừng lại ở cái nhìn tầm thường đó nhưng là chính Con Một Thiên Chúa, Đấng đã hi sinh trên thập tự để cứu độ nhân loại. Ngài đến cứu độ nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi nhưng lại để chính nhân loại treo lên Thập tự ấy. Một của lễ trọn hảo cho ơn cứu độ của nhân loại. Của lễ đó đã làm nên đỉnh cao của tình yêu dâng hiến vì người mình yêu nơi cây thập tự, cây mang lại sự sống cho nhân loại. Đó là đỉnh cao vì nơi đó, Con Người, Đấng hiến thân làm của lễ đã trao trọn giọt máu cuối cùng qua hình ảnh để cho lưỡi đòng đâm thấu con tim của mình, nơi chứa đứng sự sống của một con người. Giê-su đã hoàn toàn hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn loài. Một sự dâng hiến trọn vẹn và mỹ mãn, không một của lễ nào xứng hợp hơn với Thiên Chúa cho bằng của lễ của chính Con Một Ngài. Giê-su là Chúa và là Vua vũ trụ mà còn sẵn sàng chết, và hiến dâng trọn vẹn mạng sống của mình chỉ vì yêu, còn chúng ta, những người sống đời thánh hiến hôm nay thì sao? Chúng ta có đang dâng hiến trọn vẹn cho Chúa hay chưa?
Môn đệ theo Đức Ki-tô, Thầy chí thánh, chúng ta, những người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi bước trọn con đường mà Thầy đã đi. Chúng ta không phải bị đòi hỏi phải chết đi thân xác dưới gươm giáo, gậy gộc, hay bất cứ hình phạt nào của thế gian nhưng là chết đi con người trong chúng ta. Chúng ta được mời gọi để chết đi tính ích kỷ, hẹp hòi, quan liêu, kiêu căng, tính dục, tham vọng,…để dâng hiến trọn vẹn tinh thần không vết tì ố cho Chúa mà không đoái hoài những gì thuộc về thế gian. Hi sinh trọn vẹn để toàn tâm phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta trong sứ vụ của chúng ta chính là lúc chúng ta đang cam kết dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu với Đức Ki-tô, Người đã dám đổ máu đào chỉ vì quá yêu chúng ta. Một lời đáp trả lại tình yêu dâng hiến ấy của Giê-su bằng cách nguyện sống trọn cuộc đời dâng hiến này cho Đấng Lang Quân là điều mà chúng ta cần có khi đã quyết chọn con đường này.
Giê-su đã không ngần ngại và thậm chí Ngài cũng phải chiến đấu với chính mình trước đau khổ, đấu trí và có vẻ như vẫn kỳ nèo với Cha mình trước giờ chết để nếu có thể thì khỏi “uống chén này.” Thế nhưng, phút cuối đã làm nên tất cả khi mà Giê-su dám để cho ý Cha được thể hiện nơi mình chứ không phải là ý riêng của mình. Chính vì giờ phút quan trọng đó mà đỉnh cao của tình yêu dâng hiến ấy được tỏa rạng nơi thập giá năm xưa và mãi cho tới hôm nay. Theo Thầy Chí Thánh ấy, chúng ta cũng không khỏi được gọi từ bỏ đi ý riêng của mình nhưng là để Chúa hoàn toàn hành động trong chúng ta. “Chẳng phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con” – lời bài hát ấy đã vang lên trong bối cảnh khi mà chúng đã đang suy nghĩ về việc mình chọn Chúa hay Chúa chọn mình đây. Vâng! Không phải chúng ta chọn Ngài mà chính là Ngài đã chọn và cất nhắc chúng ta thành môn đệ của Ngài. “Trước khi ngươi hình thành trong dạ mẹ ngươi thì ta đã chọn ngươi rồi” (Gie…), lời ấy một lần nữa khẳng định cho tôi và bạn biết rõ rằng, ơn gọi của chúng ta không đến từ chính chúng ta mà là từ Chúa, chúng ta chỉ là người đáp lại lời mời gọi ấy mà thôi. Vậy thì, nếu Chúa đã chọn, tại sao chúng ta lại không để cho ý của Ngài luôn được thế hiện trọn vẹn trong chúng ta mà chúng còn kì nèo, tính toán hơn thiệt, so đo gì với Ngài nữa mà không hoàn toàn dâng trọn vẹn cho Ngài? Dĩ nhiên, với tính xác thịt yếu đuối và thấp hèn, đầy tính ích kỷ và kiêu căng chúng ta khó lòng làm được điều mà chính Giê-su đã dám làm năm xưa. Kề cận bên cái chết, Giê-su mới đắn đo, mặc cả với Cha mình, nhưng cụng chính giây phút đó, Giê-su đã làm được điều Ngài cần làm – vâng theo ý Cha. Chúng ta cũng sẽ làm được với sự nâng đỡ và trợ lực của Chúa. Hãy mạnh dạn dâng hiến trọn vẹn cho Ngài vì chính Ngài sẽ giúp chúng ta chứ không phải do bởi sức lực của chính chúng ta.
Giê-su ơi! Chính lúc yếu đuối là lúc Thầy trở nên mạnh mẽ nhất khi dám để cho ý cha được thực hiện nơi Thầy để anh can đảm bước lên đỉnh đồi năm xưa và đặt mình trên thân thập giá đó và chết đi con người của mình làm của lễ dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu dâng hiến thay cho tội lỗi của nhân loại. Thập giá ấy của Thầy đã làm nên đỉnh cao của tình yêu dâng hiến mà chính chúng con, những người sống đời thánh hiến hôm nay cũng đang phải đấu tranh với con người đầy tính xác thịt để được đạt tới đỉnh cao đó với Thầy. Xin cho chúng con luôn cố gắng từ bỏ đi ý riêng của chúng con mỗi ngày và chết đi con người của chúng con để rồi chúng con cũng được cùng Thầy dâng hiến trọn vẹn đời sống chúng con cho tha nhân làm của lễ đẹp lòng Cha. Xin hãy luôn trợ lực cho chúng con và đồng hành cùng chúng con luôn mãi. Amen.
Giuse Nguyễn Văn Định, CSSp.