Ngày làm việc thứ tư khởi đầu bằng việc trình bày của cha Phao-lô Lương Gia Đức và cha Giuse Phan Duy Vũ về trải nghiệm sứ vụ của mình tại Việt Nam. Cha Đức làm việc cho cộng đoàn Việt Nam được 6 năm với cương vị là phó giám tập (3 năm), giám đốc nhà dự tu (1 năm) và 2 năm phục vụ linh động tại cộng đoàn tập viện và mục vụ tại giáo xứ hiệp nhất Lô 6 và các cộng đoàn nữ tu tại địa bàn Lô 6. Ngài cũng chia sẻ về những đóng góp của ngài trong thời gian tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngài cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, niềm vui cũng như nỗi buồn khi mục vụ tại Việt Nam, dù là người Việt, nhưng ngài lại đang mang trong mình hộ chiếu của Mỹ nên một cách công khai theo pháp luật, ngài vẫn là người Mỹ.
Cha Vũ tiếp tục với phần trình bày mang tính chia sẻ của ngài về sứ vụ mà ngài đang thực thi tại một giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc. Ngài đã và đang phục vụ tại một giáo điểm thuộc giáo xứ này. Ngài chia sẻ với các tham dự viên về những hoạt động mục vụ của ngài tại giáo điểm này. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công việc mục vụ mà ngài đang có được, ngài cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức khi làm việc chung với giáo hội địa phương. Hơn nữa, ngài sẽ gặp khó khăn hơn khi mà chỉ có mình ngài là người nhà Dòng đang phục vụ tại giáo điểm đó. Ngài cần thêm nhân sự để thiết lập thành một cộng đoàn của Hội dòng tại nơi này, và đó cũng là lời mời của Đức Giám mục giáo phận Xuân Lộc.
Kế tiếp, Cha Giuse Nguyễn Văn Định trình bày cho tu nghị về để tài sứ vụ bác ái, công lý và hòa bình mà nhà Dòng đang thực thi tại Việt Nam. Để cụ thể hóa phần thuyết trình của mình, cha Giuse đã trình bày cho tu nghị về các hoạt động bác ái của Hội Dòng, cụ thể tại Việt Nam. Qua đó, các tham dự viên thấy rõ được các hoạt động về mảng bác ái của miền dòng như: xây dựng nhà tình thương, bảo trợ các em học sinh nghèo, cộng tác với các nhóm bác ái, phân phát nhu yếu phẩm cho người gặp khó khăn và dạy học cho học sinh nghèo. Cha Giuse kết thúc bài thuyết trình của mình bằng việc đặt ra câu hỏi thảo luận nhóm cho tu nghị và đề xuất việc mở nhà lưu xá cho sinh viên hoặc người lao động nghèo như một hoạt động bác ái ổn định của miền, đặc biệt tại Việt Nam
Sau đó, tu nghị các nhóm tiếp tục thảo luận riêng về việc đề xuất cho miền dòng các hoạt động cụ thể liên quan đến sứ vụ của Hội dòng tại hai quốc gia này. Nhiều đề xuất được ra như phát triển các sứ vụ hiện tại và xây dựng thêm các sứ vụ mới (mở giáo xứ, xây dựng nhà trọ để nâng đỡ các sinh viên và người lao động nghèo, mục vụ với người di dân, …), củng cố và làm mới cam kết của hội dòng vào các công tác mục vụ bác ái như việc xây dựng nhà tình thương cho người nghèo và quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo…
Sau giờ nghỉ lao, cha Inhaxio Nguyễn Quý Quận trình bày với tu nghị về việc bổ nhiệm sứ vụ của Hội dòng, đặc biệt là bằng sai đầu tiên của các thành viên trong Hội dòng. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ nhiệm sứ vụ này, đặc biệt là sứ vụ ở một đất nước khác. Đồng thời, cha Inhaxio cũng đưa ra những thách thức mà một nhà truyền giáo sẽ phải đối mặt khi được sai đến một sứ vụ ở một đất nước khác như: shock văn hóa, ngôn ngữ, thức ăn, mối tương quan… Nhiều người có khả năng thích ứng nhanh trong khi những người khác lại mất nhiều thời gian để làm được điều đó. Thậm chí là có nhiều anh em đã phải rời khỏi sứ vụ vì không thể thích ứng với môi trường mới, không thể học được ngôn ngữ.
Tiếp theo cha Quận là cha Michael Savariraj chia sẻ với tu nghị về sứ vụ thực tế của ngài tại Kenya – Châu Phi. Ngài cho các tham dự viên thấy được thực trạng tổng quát về giáo hội công giáo tại đất nước này, và đồng thời hiện diện của Hội Dòng tại quốc gia này. Kế đó, cha Michael cũng chia sẻ với với các tham dự viên về sứ vụ đầu đời linh mục của mình tại một giáo xứ vùng quê ở Kenya với các hoạt động mục vụ cụ thể. Ngài cũng đưa ra một số thực trạng về đời sống của người dân cũng như đời sống đức tin của họ. Cuối cùng, cha Michael chia sẻ với các tham dự viên về niềm vui khi trở thành một nhà truyền giáo tại một đất nước khác nhiều với quê hương mình. Đồng thời, thách thức và khó khăn vẫn luôn còn đó trong sứ vụ theo như lời của cha chia sẻ.
Sau 30 phút thảo luận nhóm với hai câu hỏi được cha Marc đặt ra cho tu nghị: (1) Làm sao để miền dòng có thể đồng hành với các anh em được bổ nhiệm tại miền dòng? (2) Định hướng của miền dòng là gì về kế hoạch gửi nhân sự đi truyền giáo ở nước ngoài? các nhóm đã đưa ra được nhiều phản hồi thực tế và cần thiết cho ban quản trị miền dòng có một kế hoạch cụ thể cho chương trình sứ vụ của miền. Đối với các anh em được bổ nhiệm về làm việc tại miền dòng, miền cần tạo cơ hội và thời gian cho người được bổ nhiệm có điều kiện để thích ứng với môi trường mới và học ngôn ngữ mới. Đồng thời, miền cần phải có khóa định hướng cụ thể và rõ ràng cho họ. Các nhóm cũng đề cập đến vấn đề miền cần phải cân bằng quân số gửi đi và nhận về miền để có đủ nhân sự cho sứ vụ tại miền Dòng. Đồng thời, miền dòng cũng cần chuẩn bị các nhà đào tạo cho miền dòng bằng việc gửi đi truyền giáo để trải nghiệm sứ vụ của hội dòng ở những nơi khác để lấy làm nguồn vốn cho sứ vụ đào tạo tại miền Dòng.
Chiều nay, tu nghị rất vui mừng được đón Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, giám mục giáo phận Cần Thơ, để lắng nghe ngài chia sẻ về công việc mục vụ với cương vị là giám mục tại giáo phận của Ngài. Ngài rất ấn tượng khi nghe về đặc sủng của Dòng Chúa Thánh Thần. Ngài chia sẻ cảm nghiệm của mình một cách sâu sắc về hoạt động của Hội Dòng tại Việt Nam. Và ngài sẵn sàng chào đón và mời gọi Hội dòng về làm việc tại truyền giáo tại giáo phận của Ngài.
Tiếp đó, ngài trình bày về một giáo hội hiệp hành tại Châu Á. Ngài nhấn mạnh về việc hiệp hành mang lại nhiều lợi ích cho giáo hội chúng ta. Ngài đề cập đến các giai đoạn của chương trình giáo hội hiệp hành. Chường trình hiệp hành gồm 3 giai đoạn ở các cấp độ khác nhau: cấp Giáo hội địa phương, Giáo hội cấp châu lục, và Giáo hội cấp hoàn vũ theo từng năm từ 2021-2024. Kế đó ngài cũng chia sẻ về cảm nghiệm và hiểu biết của Ngài về ý nghĩa của giáo hội hiệp hành sau khi tham dự khóa hội thảo với giám mục đoàn Châu Á tại Thái Lan. Ngài cho thấy sự khác nhau về giữa đời sống đức tin tại các châu lục. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến đến thực trạng nan giải và đáng buồn đang xảy ra tại Á châu mà một giáo hội hiệp hành cần phải có.
Sau đó, ngài nhấn mạnh về các vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Trước hết là vấn đề di dân với 3 cấp độ khác nhau: tị nan, di dân lạo động và di dân du học. Trong đó ngài chia sẻ tâm tư của ngài về nạn buôn người theo kiểu lấy chồng nước ngoài chỉ vì đồng tiền đang xảy ra khá phổ biến tại giáo phận của ngài. Thực trạng di dân lao động tại nhiều đất nước mà chính những người lao động không hiểu được ngôn ngữ địa phương và điều đó dẫn đến việc thờ ơ trong đời sống đức tin của anh chị em di dân ở những nơi đó. Kế đến ngài nhắc đến thực trạng về giới trẻ ngày hôm nay. Nhiều bạn trẻ bây giờ đã thờ ơ với việc học để hướng đến một tương lai tốt đẹp cho họ. Các em đang bị lôi cuối vào một thế giới tự do, hưởng thụ và đầy tính chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt sau khi bị ảnh hưởng bởi thế giới kỹ thuật số, là nguyên nhân dẫn giới trẻ đến bờ vực thẳm của những cạm bẫy tội lỗi. Thêm vào đó, ngài cũng nhắc đến địa vị, thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Dường như chị em sống trong tình trạng an phận khi mà não trạng trọng nam khinh nữ. Ngài cũng đề cập đến cả vấn đề giáo sĩ trị và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này tại Việt Nam. Một vấn đề nghiêm trọng khác đang xảy ra tại Việt Nam đó là nhiều giáo xứ muốn biến xứ mình thành một “pháo đài” khi theo nhau xây nhà thờ lớn, tường lớn để bảo vệ “vương cung” của mình mà không muốn chia sẻ và bước ra khỏi nơi mình sống để đến với nhiều anh chị em ở những nơi nghèo khó.
Cuối cùng, ngài chia sẻ với tu nghị về thực trạng về công việc truyền giáo tại giáo phận của Ngài. Ngài nhấn mạnh thuật ngữ “truyền giáo” và ý nghĩa, cách mà chúng ta cần hiểu đúng về thuật ngữ này. Vì nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc không hiểu đúng ý nghĩa của thuật ngữ này nên họ vẫn chưa thực hành lời mời gọi của Giáo hội và của Chúa về công cuộc truyền giáo ở bậc sống của mình. Đây không phải là công việc của một số người nhưng là của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Ngài còn trình bày thêm một tình trạng nhức nhối mà ngài và các linh mục giáo phận đang phải đối mặt trong công tác mục vụ đó là tình trạng hôn nhân khác đạo tại giáo phận Cần Thơ khi mà số lượng giáo dân còn rất là ít (3,4%). Kết thúc bài nói chuyện của mình với tu nghị, Đức cha Stephano nhắn nhủ với mỗi tham dự viên và cũng là anh em trong hàng giáo sĩ của dòng Chúa Thánh Thần rằng, “anh em phải luôn giữ được lửa của Chúa Thánh Thần mà anh em đã lãnh nhận trong sứ vụ truyền giáo mà anh em đang đảm nhận”. Ngài kết thúc buổi gặp gỡ anh em bằng việc chủ tế thánh lễ chiều cùng với anh em tham dự tu nghị.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Định, CSSp
(Ban truyền thông tu nghị)