Sáng nay tu nghị thảo luận về các vấn đề liên quan đến tài chính của miền Dòng. Hai cha quản lý của hai cộng đoàn Việt Nam và Ấn độ báo cáo về tình hình tài chính của 2 cộng đoàn. Qua báo cáo của hai cha quản lý, chúng tôi nhận thấy được thực trạng hiện tại về tài chính của miền dòng. Đây là vấn đề nan giải mà miền Dòng đang phải đối mặt. Miền đang phải đối mặt với vấn nạn về nguồn thu đang bị hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào bổng lễ của các cha và một phần lớn từ việc đóng góp của các ân nhân và các tỉnh dòng khác. Nguồn thu của miền Dòng tại địa phương (bổng lễ, quà) là rất nhỏ so với các khoản chi tiêu cho hoạt động của 2 cộng đoàn Việt Nam và Ấn Độ. Điều đó đặt ra câu hỏi cho miền về việc cải thiện được nguồn thu để duy trì cho các hoạt động và đời sống của hội Dòng trong những năm tới. Miền không thể chỉ dựa vào sự giúp đỡ của người khác nhưng cần phải có kế hoạch cụ thể hơn. Sau giờ họp của các nhóm nhỏ về vấn nạn này, các nhóm nhỏ đã đưa ra thực trạng hiện tại của miền liên quan đến tài chính. Nhiều cầu hỏi được đặt ra là miền phải nghĩ đến việc đầu tư vào các hoạt động sinh lợi cụ thể để có thể cải thiện được nguồn thu cho miền dòng.
Trong nội dung cuối cùng của buổi họp sáng nay, cha Giuse Lê Phú Quốc (quản lý của cộng đoàn Thần học tại Manila) đại diện cộng đoàn báo cáo về tình hình chung của cộng đoàn thần học: các hoạt động và biến cố cộng đoàn trong năm 2022, đồng thời cha cũng báo cáo về vấn đề tài chính của cộng đoàn. Ngài cũng trình bày khó khăn của cộng đoàn về vấn đề này, vì đây là cộng đoàn đào tạo nên nguồn thu dường như chỉ dựa vào sự đóng góp của các cộng đoàn trong UCAO (Việt Nam, Đài Loan, Australia, và Philippines). Tài chính vẫn đang là vấn đề nan giải cho cộng đoàn thần học tại Minila khi mà cộng đoàn chưa có nguồn thu ổn định từ chính cộng đoàn ngoài bổng lễ và các đóng góp rất nhỏ khác.
Kế đó, cha Giuse Nguyễn Thiện Lãm trình bày với các tham dự viên về hoạt động quyên góp tiền từ các ân nhân trong và ngoài nước để góp phần vào việc duy trì các hoạt động và sinh hoạt của cộng đoàn tại miền Dòng, cùng với đó là việc xây dựng nhà trung tâm tại Việt Nam. Cha Lãm đưa ra nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề này và trình bày cho tham dự viện các hướng đi, các bước, và mục đích của việc quyên góp hàng năm. Miền Dòng cần phải có kế hoạch cụ thể và các phương án rõ ràng cho việc này trong thời gian tới. Để việc này sinh lợi cho miền dòng, miền cần có một ban chuyên về việc quyên góp này.
Sau phần trình bày của cha Lãm là phần thảo luận của các nhóm về đề tài do cha điều phối tu nghị đặt ra “chúng ta cần phải có những đề xuất cụ thể nào cho việc duy trì và cải thiện nguồn tài chính của miền Dòng?” Sau 30 phút thảo luận nhóm, các nhóm đã đưa ra được các đề xuất cụ thể: Liên kết với các Tỉnh dòng khác về nguồn hỗ trợ trong tình huynh đệ của Hội dòng nói chung, đầu tư có lợi nhuận khả thi hơn và ít rủi ro hơn, thành lập và liên kết với anh chị em Dòng Chúa Thánh Thần tại thế, cam kết với các giáo phận vào mục vụ quản xứ, liên kết với anh chị em giáo dân của hai nước đang sống và làm việc ở nước ngoài (những người có tiềm năng tốt về kinh tế)… Đó chính là những hướng đề xuất mà miền Dòng có thể nghĩ tới và lên kế hoạch hoạt động cụ thể cho các đề xuất này nhằm cải thiện và duy trì ổn định nguồn tài chính cho miền Dòng trong tương lai.
Nội dung cho buổi họp buổi chiều bắt đầu với phần trình bày của cha Marc Whelan, đại điện từ tỉnh dòng Ireland hiện đang làm việc tại Pháp, về mục vụ cho những anh chị em mồ côi của Hội dòng Chúa Thánh Thần, cụ thể là tại châu Âu. Cha Marc trình bày cho tham dự viên về hoạt động của chương trình mục vụ và hỗ trợ những người mồ côi ở nhiều nơi trên thế giới của Hội Dòng. Đây là một trong những sứ vụ cần thiết mà Hội Dòng cần duy trì và cũng là vấn đề được đặt ra cho miền Dòng về sứ vụ trong tương lai tại Việt Nam và Ấn Độ.
Tiếp đó, cha Patrick Palmer, bề trên cộng đoàn thần học tại Manila – Philippines, trình bày về sứ vụ mới tại Á Châu. Ngài lược lại lịch sử hiện diện của Hội Dòng tại châu lục này, bao gồm: Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan, Philippines. Sứ vụ hiện tại của Hội dòng tại Châu Á bao gồm một số lĩnh vực như mục vụ giáo xứ, tuyên úy bệnh viện, đào tạo ứng sinh,… Ngài cũng nhấn mạnh về việc mở rộng sứ vụ ra các nước láng giềng tại Châu Á vì hiện tại Hội Dòng vẫn dừng chân tại chỗ tại 5 quốc gia sau hơn 3 thập kỷ hiện diện tại châu lục này. Điều này cũng đặt câu hỏi cho hội đồng Tổng quyền về việc bổ nhiệm nhân sự từ các châu lục khác về châu Á khi mà châu Á vẫn đang thiếu nhân sự. Đó là một điều đáng quan tâm cho châu Á. Ngài cũng đặt câu hỏi cho Hội dòng về sứ vụ trong tương lai tại Á châu này, “Chúng ta có sẵn sàng để đến một vùng đất mới và thiết lập cộng đoàn sứ vụ mới hay không, nếu có, chúng ta nên bắt đầu từ nước nào?” “Đâu là những ưu tiên hàng đầu cho sứ vụ của miền trong những năm tới” Các nhóm thảo luận và đã đưa ra được những đáp án cụ thể cho những câu hỏi trên. Ngày làm việc thứ 2 kết thúc để lại nhiều câu hỏi được đặt ra cho miền dòng, đặc biệt về vấn đề tài chính và sứ vụ tại Châu Á.
Fr. Giuse Nguyễn Văn Định, CSSp.