140
Mùa hè năm nay, tôi được Bề trên sai đi mục vụ tại nhà thờ Giá Rai. Chuyến mục vụ tuy ngắn ngủi nhưng cũng đọng lại trong con nhiều cảm xúc, làm hành trang quý báu trên bước đường hiến dâng phục vụ.
Ngày 3/6, sau khi nghe bài sai từ Bề trên, con cùng anh Long mong ngóng ngày lên đường tới vùng đất miền Tây. Sau bao ngày chờ đợi, ngày 11/6 chúng con lên đường tới Nhà thờ Giá Rai. Con phải đi quãng đường gần 7 tiếng đồng hồ. Sau đó, chúng con tiếp tục hành trình 45 km vào giáo điểm Vĩnh Phước một giáo điểm nhỏ thuộc Hạt Giá Rai, chưa có nhà thờ, chỉ là mượn nhà giáo dân để sinh hoạt. Số giáo dân chừng 70 người, họ sống rải rác, và cách xa điểm sinh hoạt. Sống xa nhau, xa giáo điểm nên việc đi lại khá khó khăn. Ấy vậy mà giáo dân nơi đây rất sốt sắng. Họ không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn, nguy hiểm, cứ có Thánh lễ, có sinh hoạt ở giáo điểm… là họ đi, bất kể giờ nào. Nhiều người tâm sự: “Khổ thật quý Thầy ơi! Giờ mình đi lễ thường là giờ nhiều người đến mua đồ. Nhưng chúng con cũng hy sinh tất cả rồi Chúa cũng chúc lành cho chúng con thầy ạ!”. Nhiều lúc con thắc mắc tại sao bà con ở đây lại nhiệt tình sống đạo như vậy? Tại sao họ chấp nhận khó khăn, hy sinh nhiều thứ… để đến với Chúa trong các Thánh lễ như thế? Qua một vài lần trò chuyện, con mới được hiểu. Sở dĩ họ nhiệt tình và sùng đạo như thế một phần vì mưu sinh, họ rời xa quê hương, để lên nơi không có nhà thờ, không có linh mục. Thêm vào đó đã nhiều năm họ sống trong tình trạng không có Thánh lễ. Chính vì thế, nay Vĩnh Phước có sinh hoạt tôn giáo, có Thánh lễ, họ luôn hy sinh dành giờ để đến với Chúa, dù gặp nhiều khó khăn, họ vẫn không quản ngại…
Người Vĩnh Phước đời sống khó khăn nhưng tấm lòng họ luôn quảng đại. Biết chúng con từ thành phố lên đây, không quen đường, nên mỗi lần đi lễ, người này kẻ nọ, trái bầu trái bí, buồng chuối quả bắp,… đem vào cho chúng con. Nhìn những món quà họ mang tới, con thấy như chất chứa đầy những nghĩa cử yêu thương họ dành cho chúng con… Đặc biệt, chúng con có cơ hội đến thăm viếng nhà của họ. Ai cũng rất gần gũi, rất thân thương, rất chu đáo. Con nhận thấy những tình cảm của người dân dành cho con không phải lòng hiếu khách mang tính xã giao; cũng không chỉ là tình người theo hướng nhân bản thông thường, nhưng là tình yêu của Chúa được thể hiện qua tình người Vĩnh Phước. Con nhận thấy nơi sâu thẳm của những tình cảm và sự quý mến mà mọi người dành cho con là lòng khao khát và chờ mong sự thánh thiện cũng như khôn ngoan nơi những người đang sống đời dâng hiến. Những tình cảm của người Vĩnh Phước dành cho con vừa là niềm khích lệ lớn lao trong thời gian con ở đây; đồng thời cũng là bài học Chúa muốn nhắc nhở con trên hành trình đào luyện mình để làm sao luôn suy nghĩ, nói năng và hành động theo gương Chúa Giê-su.
“Hãy ra đi tới vùng ngoại biên”. Chúng con được lắng nghe những mảnh ghép trong cuộc sống mưu sinh của người dân miền Tây. Ngang qua chuyến thăm viếng, chúng con mới hiểu hơn về hoàn cảnh của họ. Gia đình được toàn công giáo chỉ đến ở đầu ngón tay. Hầu như, đời sống đức tin của họ được vợ mất chồng nói chung là đạo ai người ấy giữ. Bởi thế, con cái là người thua thiệt nhiều nhất. Các em không có môi trường gia đình hiệp thông Đức tin. Chính vì vậy, đời sống đạo của các em còn yếu. Đơn thuần kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng mà các em không thuộc. Tuy nhiên, khi nghe chúng con về phục vụ tại giáo điểm thì các em siêng năng tham dự và đi học rất đông. Điều đó là một nguồn động viên cho chúng con phục vụ. Công việc của chúng con được xem như tự lập. Chúng con cộng tác với hội đồng trong giáo điểm tổ chức chương trình cho các em học giáo lý thêm sức, xưng tội, cách tập hợp sinh hoạt thiếu nhi Thánh Thể và khóa học đàn Organ. Nói to lớn vậy chứ chúng con hạnh phúc khi các em thuộc các kinh căn bản và tham dự Thánh lễ một cách tích cực nhất. Ngang qua đời sống đức tin của họ, con biết trân trọng công ơn môi trường gia đình và đời sống dâng hiến. Con được biết, hiểu và yêu mến Chúa nhiều hơn. Đó là động lực cho con cùng với ơn Chúa rèn luyện bản thân để con trở nên môn đệ chân chính của Chúa Giêsu trong một thế giới đầy thương tích.
Tình người Vĩnh Phước thật là dạt dào và đằm thắm, hẳn đó phải là kết quả của truyền thống sống đạo tích cực của giáo điểm. Tuy nhiên, trong vùng vẫn còn một số ít người chưa sống theo đường lối của Chúa, và tinh thần phục vụ của một số khác cũng có giảm sút so với thời gian trước. Đó có thể là hậu quả thường thấy của một xã hội đang bị chủ nghĩa vật chất và khoái lạc lấn át. Mặc dầu vậy, con vẫn luôn hy vọng những vấn đề tồn đọng sẽ được cải thiện nhờ ơn Chúa ban qua lời cầu nguyện của cộng đoàn giáo điểm và qua sự hướng dẫn của Cha sở. Con xin tạ ơn Chúa vì những bài học mà con nhận được nơi giáo điểm Vĩnh Phước, về khung cảnh sống, đời sống đức tin và về con người nơi đây. Ước chi mỗi người, với những vai trò khác nhau, luôn biết gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà giáo điểm Vĩnh Phước đang có trong tinh thần yêu mến và phục vụ, theo mẫu gương duy nhất là Chúa Giê-su Ki-tô.
Br. John Nguyễn Hồng Sơn