Thầy Giuse Vũ Tài Tiệp, CSSp.
Tôi được Bề trên Dòng Chúa Thánh Thần tại Việt Nam sai đến Ghana theo chương trình Thực Tập Mục Vụ Truyền Giáo-PME (Pastoral Mission Experience) của Hội Dòng từ tháng 9 năm 2017-2019. Ghana có tổng số dân số cả nước là 31,786,959 (2021), Giáo hội Công Giáo có 2,712,851 người, chiếm 12.90% dân số cả nước. Giáo Hội Công Giáo tại Ghana có 15 Giáo phận, chia làm 4 Giáo tỉnh.
Tôi rất vui và học được nhiều kinh nghiệm tuyệt vời từ vùng đất và con người tại Ghana. Tôi đã được huấn luyện để sống trong đời sống cộng đoàn, đời sống cầu nguyện và công việc mục vụ. Tựu chung lại, tôi khám phá ra rằng, Thiên Chúa đang kêu gọi tôi dâng mình cho tình yêu của Chúa và cho Giáo hội, đến bất cứ nơi đâu.
Trong quy luật Dòng Chúa Thánh Thần (Spiritan Rule of Life-SRL) có đề cập tới đặc sủng và sứ mệnh của Hội Dòng trong Giáo hội trong việc “truyền giáo cho người nghèo” (SRL, no. 4) là mục đích của Hội Dòng. Do đó, Linh đạo của Hội Dòng nhấn mạnh đến tinh thần đi đến những dân tộc, nhóm và cá nhân chưa được nghe biết đến Tin Mừng, đến với những người có hoàn cảnh khó khăn và những người bị áp bức, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn trong Giáo Hội.”
Tại Ghana, tôi được trải nghiệm trong một môi trường cộng đoàn quốc tế, đó là hồng ân cho tôi được làm quen với nhiều tu sĩ đến từ các quốc gia khác nhau và học hỏi từ cách sống của họ, tạo mối quan hệ mới với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Người dân tại Ghana rất cởi mở và thân thiết. Tôi có cơ hội tới thăm các gia đình người the đạo Hồi Giáo, họ rất vui vẻ và hòa đồng, chúng tôi cùng nhau chia sẻ về cuộc sống, công việc thường này, tạo sự gần gũi và chân thành. Quả thực, đây là cơ hội để tôi được học hỏi văn hóa, phong tục và ngôn ngữ của họ (tiếng Asante Twi), giúp tôi mở rộng tầm nhìn về môi trường truyền giáo quốc tế. Tôi phải làm quen với nền văn hóa mới để hội nhập và có cách cư xử đúng mực. Văn hóa tại Ghana không dùng tay trái để tao tặng hay đụng tới đồ ăn. Vài lần tôi bị nhắc nhở do vô ý trả tiền cho người bán hàng bằng tay trái, vì theo thói quen ở Việt Nam tôi vẫn làm vậy, sau một thời gian ngắn tôi quen với văn hóa này và cũng mặc định trong tâm trí mình cố gắng nhớ để tránh bị nhắc nhở lần nữa.
Trong những tháng đầu tiên, tôi gặp khó khăn với môi trường sống, đặc biệt về thức ăn, Các món ăn chính của người dân ở đây là, Fufu, Kenkey (làm từ bột bắp), Jollof rice (cơm chiên),Yams (Khoai mì). Món Fufu tôi thích nhất, nó rất khó chế biến, quá trình bắt đầu bằng cách giã những củ mì và những quả chuối được luộc chín cho vào cối, một người cầm cây gậy lớn đứng giã, người khác ngồi đảo những thứ này với nhau sao cho đều và thêm chút nước cho nhuyễn. Vì nó cần được khuấy mạnh, thường cần hai người để làm – một người đập nó, và người kia lật chuyển nó xung quanh chiếc cối trong quá trình giã. Tuy nhiên, là người Việt Nam từ bé đến lớn tôi thường ăn các món ăn Việt Nam, cơm, phở, bún, canh, nước mắm…
Từng bước, tôi có thể thích nghi dần với môi trường sống ở đây. tôi đã có cơ hội để phát triển mối quan hệ với tất cả những người cùng cộng tác với tôi trong các công việc mục vụ; cha xứ, hội đồng giáo xứ, các thầy trong cộng đoàn, những bệnh nhân nơi trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật, các em học sinh giáo lý và các giáo viên tại trường cấp II, nơi tôi làm việc mục vụ, Chúng tôi coi nhau như gia đình, tương trợ lẫn nhau và có những lúc ngồi vào bàn ăn chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong công việc. Vì vậy, chúng tôi đã trở thành những người bạn trong cộng đoàn giáo xứ và cộng đoàn dòng tu. Đó là sự thuận lợi để tôi có thể phát triển đời sống tinh thần và trí tuệ của mình qua việc cầu nguyện, cử hành phụng vụ và những việc làm cụ thể trong mối tương quan với nhau.
Tại Ghana, Dòng Chúa Thánh Thần hòa nhập vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh địa phương và làm chứng tá Tin Mừng trong những hoàn cảnh khác nhau giữa lòng dân tộc. Hội Dòng đóng góp tích cực trong lãnh vực giáo dục, xây dựng trường học, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, chạm vào cuộc sống của nhiều người theo nhiều cách, đặc biệt là trong những khoảnh khắc vui mừng và hy vọng, bệnh tật và đau buồn. Hội Dòng cung cấp môi trường an toàn cho những người dễ bị tổn thương, thúc đẩy phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng và cùng nhau xây dựng nền Văn hóa Tình thương cho mọi người.
Khi sống ở Bantama, Kumasi, Ghana, tôi được sai đi dạy Giáo lý ở một trường trung học vào ngày cuối tuần, lớp học của tôi gồm các em từ 12-14 tuổi, có 35 em trong lớp học. Các ngày khác trong tuần, tôi cùng với cha xứ đi trao Mình Thánh Chúa cho những người đau yếu, và làm công việc mục vụ tại Dòng Nữ tu Thừa sai Bác ái, do Mẹ Terexa Canculta sáng lập, nơi đây tôi và các tình nguyện viên đến từ một số nước tại châu Âu và các bảo mẫu, y tá, bác sĩ trong giáo phận Kumasi cùng cộng tác, giúp các trẻ em khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh và phát thuốc cho các bệnh nhân…
Trong khi làm công việc mục vụ nơi đây, tôi cảm thấy mình thật may mắn hơn rất nhiều người. Cuộc sống của họ có nhiều khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, đa phần các em nhỏ trong trung tâm mồ côi do quý Sơ nuôi dưỡng đều bị cha mẹ các em bỏ rơi do gia đình không đủ điều kiện chăm sóc, cha xứ hoặc các giáo lý viên thường đem các em tới nhờ quý Sơ nuôi nấng.
Tuy hoàn cảnh mỗi người khác nhau, nhưng các em có điểm chung là luôn được quý Sơ chăm sóc tận tình, nhiều đêm quý Sơ phải thức suốt đêm vì có bé bị bệnh hoặc nhiều bé thiếu vắng cha mẹ, nên các bé khóc suốt đêm. Tôi đã học được rất nhiều điều bài học chân quý từ những vị tu sĩ này, cả những tình nguyện viên, những người đang phục vụ tại trung tâm này với tinh thần quảng đại, lòng nhân ái, ý chí mạnh mẽ và luôn tràn đầy lạc quan bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, tôi cũng học được những kỹ năng mục vụ từ cha xứ, nơi tôi giúp mục vụ tại đó. Cha ấy luôn thể hiện sự thân thiện, nhiệt tình và dễ gần, luôn khiến tôi cảm thấy mình được chào đón và hoàn toàn cảm thấy thoải mái như đang sống tại gia đình mình vậy.
Tất cả những trải nghiệm này giúp tôi hiểu người và hiểu mình hơn và cải thiện nhân cách của mình, đặc biệt với tinh thần biết ơn và tử tế với mọi người.
Khi tôi có dịp đến thăm những gia đình nghèo, gặp gỡ những người nghèo khổ đến với trung tâm nơi tôi làm việc, tôi đã học được rất nhiều điều từ họ với ánh mắt thân thiện và nụ cười vui vẻ. Tôi nhận ra rằng, tôi không thể tiếp cận họ với thái độ vượt trội, nhưng trước hết tôi học lắng nghe họ, quan sát và cộng tác với họ trong một vài công việc để thấu hiểu cuộc sống của họ, thấu hiểu những mong muốn, nhu cầu và ước mơ của họ.
Một trong những thách thức đối với tôi là làm thế nào để giao tiếp hiệu quả với họ bằng ngôn ngữ bản địa, cho dù đa số người dân nói tiếng Anh là tiếng phổ thông, nhưng ngôn ngữ bản địa hầu như được dùng trong gia đình và khi những người bản xứ giao tiếp với nhau, họ vẫn thường dùng ngôn ngữ bản địa.
Tôi đánh giá cao việc thực hành các giá trị nhân văn của Giáo hội địa phương nơi đây; tinh thần cởi mở đối thoại với các tôn giáo khác, không dựa trên chính mình, nhưng dựa trên sự thật, đặc biệt là sự thật của cuộc sống và tình yêu. Vì vậy, một cuộc đối thoại đích thực luôn đòi hỏi phải chấp nhận ý kiến của người khác, tôn trọng nét đặc thù của họ, mà không đánh mất bản sắc của riêng mình. Nói cách khác, một cuộc đối thoại chỉ đúng khi được xây dựng trên nền tảng hòa bình và giúp nhau phát triển toàn diện. Vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo không thể chỉ giới hạn trong lời nói và lý thuyết, nhưng còn cần đáp ứng hai yêu cầu: khả năng dấn thân phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người bị loại trừ, những người không có tiếng nói và khả năng giải đáp nhu cầu tâm linh sâu sắc của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Giáo hội tại Ghana vẫn cần các nhà truyền giáo nhiệt thành, cần sự chia sẻ về là một lời mời đích thực để tôi ra đi và tiếp cận với mọi người, giàu cũng như nghèo, bất kể họ là ai hay họ ở đâu để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng.
Tôi vẫn nhớ cha xứ nơi tôi mục vụ có chia sẻ với tôi rằng, “Phục vụ người khác, không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp về giáo dục (tất nhiên là quan trọng!), Nhưng điều cần là sự sẵn lòng cống hiến thời gian và khả năng mình có.” Đây là một trong nhiều bài học mà tôi đã học được từ những người ở vùng ngoại vi đang làm việc cho và trong Giáo hội – luôn tìm thời gian để phục vụ và không than trách. Người nghèo là một phần của Giáo hội, của những ai dâng hiến đời mình để phục vụ tha nhân.
Trong sâu thẳm trái tim, là thành viên của Hội Dòng Chúa Thánh Thần, với lòng yêu mến đời sống truyền giáo, niềm khao khát của tôi với tư cách là một tu sĩ, người môn đệ của Chúa Kitô, học cách YÊU THƯƠNG như Chúa Giê-su đã dạy “yêu người khác như chính mình”. Giám mục Barron đã cho chúng ta một định nghĩa rất đẹp về TÌNH YÊU, đó là “ước ao và làm những điều thiện hảo cho người khác.” Theo tôi, tiếp cận với người khác và tìm kiếm điều tốt đẹp của họ thực sự khiến tôi rạng ngời hạnh phúc, bởi vì niềm vui cuộc sống chỉ lớn lên khi được cho đi và nó sẽ yếu đi khi cô lập.
Trên thực tế, cuộc sống của tôi chỉ viên mãn và có ý nghĩa khi tôi mang lại niềm vui mà tôi có cho mọi người, và niềm vui đó cũng được nhân đôi. Tôi không đi làm việc tông đồ chỉ để cảm thấy hài lòng về bản thân. Nhưng bởi vì “tình yêu của Đức Kitô thôi thúc bách tôi” (2Cr 5:14). Đây là một phần kinh nghiệm về mục vụ truyền giáo tại Ghana mà tôi đã học được, khi tiếp cận và tìm kiếm những gì tốt đẹp nơi người khác. Kinh nghiệm này tuy nhỏ, nhưng đó là nguồn động viên để tôi tiếp tục hành trình ơn gọi, sống tình Chúa và tình người và đến gần Chúa hơn.