Cuối tuần rồi, ba thầy trò chúng tôi gồm có cha Phaolô Hoàng, thầy Giuse Quế và tôi, Martin Huy thăm lại Matuu, một tỉnh lẻ cách thành phố Nairobi tầm hai tiếng đi xe buýt, phần là thăm người bạn là một sơ người Việt đang làm việc ở Matuu, nữa là gặp gỡ người dân tại đó nhân dịp họ có buổi gặp gỡ cuối năm. Chuyến đi khá thú vị.
Chuyến đi đầu tiên đến Matuu là thời điểm mới qua Kenya cách đây hơn hai tháng, lần đó sơ dắt ba thầy trò đi vào làng thăm mấy hộ gia đình nghèo. Ở đó, người dân sống trong những ngôi nhà nhỏ bằng cái nhà trọ, hình chữ nhật, tường được xây bằng đá tự nhiên hoặc bằng đất. Bên trong kê một hoặc hai cái giường, tủ và vài thứ vật dụng. Ngôi nhà chắc chỉ để ngủ vào ban đêm chứ không giải trí gì bên trong được, vì nó trật hẹp và nóng bức. Các căn nhà, gồm năm đến sáu hộ gia đình được xây dựng san sát nhau, quây quần bên cái nhà bếp duy nhất đặt ở chính giữa. Ở đây, mọi người dùng chung cái nhà bếp và ăn chung. Nghe nói có người tài trợ xây cái bếp này. Thực ra nó là cái bếp củi xây bằng gạch khá đơn giản. Còn nhà vệ sinh chung được xây ở phía xa xa ngôi làng. Khí hậu ở đây khắc nghiệt lắm, ban ngày thì nóng nực, ban đêm thì lạnh lẽo, mùa mưa thì nhà dột, mùa khô thì hạn hán, người dân chẳng trồng trọt gì được. Đã vậy, có những bà mẹ không may mắn có những đứa con khuyết tật hoặc thiểu não, trú mát dưới bóng cây trông thật xót xa. Có lẽ do khí hậu khắc nghiệt một phần và điều kiện sống quá thấp nên dẫn đến những hệ quả về thể lý.
Tuy nhiên, trong chuyến đi lần này, tôi thấy quang cảnh nhìn có sức sống hơn vì những cơn mưa đã đến. Dọc đường, cây cối lớn nhỏ tô điểm cho đồi núi và những cánh đồng nhiều màu xanh hơn trước. Ở đó có những đàn dê, đàn bò đang thích thú gặm cỏ. Nước tràn về những con suối chảy rí rách nghe cũng vui tai. Liên quan đến công việc của sơ, vì hiện tại là thời điểm cuối năm, nên sơ tổ chức một buổi lượng giá dành cho 120 bà mẹ có hoàn cảnh đặc biệt. Thầy trò chúng tôi có mặt với vai trò cộng tác trong mấy việc lặt vặt như khiêng vác, chụp ảnh, rửa chén, phục vụ. Buổi gặp gỡ diễn ra trong khuôn viên giáo xứ. Theo tôi nhận thấy, có ba mục đích chính trong buổi lượng giá này. Đầu tiên, trong những nhóm nhỏ gồm 10-12 người, các bà mẹ được mời gọi chia sẻ và lắng nghe những khó khăn của nhau, qua đó, mọi người tìm được sự cảm thông để động viên và an ủi lẫn nhau. Sau đó, trong buổi gặp gỡ chung, một số bà mẹ đại diện nói lên những tâm tình tri ân, những bất cập thực tế, hoặc những câu chuyện truyền cảm hứng. Ví dụ như có bà mẹ ấm ức vì gia đình chưa có điều kiện làm thẻ chứng minh, hoặc có bà mẹ xúc động nói lời cám ơn đến nhóm thiện nguyện, hay có anh bạn trẻ bị tật cả chân lẫn tay đến nỗi không đi được, cũng may hai tay còn cử động được một tí, song lại có cái nghề cắt tóc, khách hàng của anh không cần trả tiền mà chỉ cần tự xoay cái ghế để anh ấy cắt là được. Ai cũng có khó khăn, song có điều đáng buồn là phần lớn các bà mẹ này đều có những đứa con bị tật hoặc bị thiểu năng. Qua việc lắng nghe đó, tổ chức của sơ có thể có những đáp ứng thực tế của người dân. Cuối cùng, sau buổi gặp chung, mọi người cùng ăn trưa với nhau, khẩu phần ăn được nhóm thiện nguyện chuẩn bị chu đáo. Trước khi giải tán, mỗi bà mẹ nhận được một phần quà.
Khác với chuyến đi lần trước, trong chuyến đi này, thầy trò chúng tôi có cơ hội nói tiếng Kiswahili với người dân. Tuy chỉ bập bẹ mấy câu giao tiếp đơn giản nhưng nó rút gắn khoảng cách giữa chúng tôi biết bao. Tôi thấy người dân cười khúc khích và tỏ ra thích thú khi nghe chúng tôi nói tiếng Kiswahili.
Thầy Martin Ngô Trọng Huy CSSp