Nước Pháp có bề dầy lịch sử, một văn minh đặc sắc, và một nền kiến trúc đồ sộ; Pháp còn có một phong cách ẩm thực rất đa dạng và thanh lịch, và có truyền thống Kito giáo từ rất lâu. Bên cạnh đó, nước Pháp cũng là quê hương của 2 đấng sáng lập Dòng Chúa Thánh Thần, cha Claude- Francois Poullart Des Places và cha Francois Libermann. Hiện nay, Dòng Chúa Thánh Thần tại Pháp có 20 cộng đoàn và khoảng 190 thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Khi đặt chân tới Pháp, Tôi đã sống 2 tuần ở nhà trung tâm của Dòng Chúa Thánh Thần tại Chevilly Larue, Thành Phố Paris, và cũng là cộng đoàn có khoảng 35 cha đã về hưu. Dù các cha đã già nhưng các ngài rất khỏe mạnh, minh mẫn và vui vẻ. Thầy Sao và Tôi được chào đón rất nồng nhiệt vì chúng tôi là 2 thành viên mới đến từ Việt Nam.
Tôi có dịp được trải nghiệm 2 dịp lễ lớn, lễ Noel và Năm Mới. Vào 2 dịp lễ này, cộng đoàn có thánh lễ tạ ơn, sau đó quy tụ lại để ca hát, trò chuyện và thưởng thức các món ăn và thức uống truyền thống của Pháp. Trong những bữa ăn, tôi có cơ hội được nói chuyện và làm quen với các cha lớn tuổi. Đặc biệt, tôi có cơ hội để lắng nghe những trải nghiệm rất riêng, rất thực tế, đầy niềm vui nhưng cũng nhiều gian nan về cuộc sống truyền giáo tại Châu Phi của họ. Hầu như cha nào cũng “bỏ nhà, bỏ quê hương” ít cũng 10, 20 năm hoặc thập chí 30, 40 năm nơi xứ người để sống và loan báo tin mừng. Qua đó, tôi thấy được tinh thần truyền giáo, sự sẵn sàng từ bỏ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo và người chưa được nhận biết Chúa của người Pháp.
Trong bốn tháng qua, hầu hết các hoạt động diễn ra ở trong nhà vì là mùa đông. Các hoạt động ngoài trời rất ít vì khí trời khá lạnh. Mỗi lần ra ngoài như thể tôi là người ninza vì phải mặc khá nhiều lớp áo và che bít người. Vì chưa quen với khí lạnh mùa đông của Pháp nên tay chân tôi thường bị lạnh cóng, da dẻ nứt nẻ, nhưng bù lại tôi ngủ rất ngon. Ở pháp, phương tiện đi lại chủ yếu là xe hơi và phương tiện công cộng. Những ngày đầu làm quen với phương tiện công cộng và để có thể đến đúng địa chỉ cần đến thì tôi đã bị lạc không ít lần khi sử dụng phương tiện metro. Bên cạnh đó, người ta đi bộ khá nhiều vì vừa bảo vệ môi trường, vừa giữ sức khỏe, và thuận lợi để đến các trạm xe bus, hay metro. Đồ ăn của Pháp giàu dinh dưỡng, độc đáo và phong phú. Hầu hết trong mỗi bữa ăn của người Pháp không thể thiếu bánh mì, phô mai, và rượu nho. Ấy vậy mà tôi ăn riết cũng quen, không có lại thấy thiếu thiếu. Mỗi bữa ăn hàng ngày khoảng 40 phút, ngày Chủ nhật 2 tiếng, và các dịp lễ lớn 3-5 tiếng vì văn hóa của người Pháp là dành thời gian thưởng thức món ăn và nói chuyện với nhau. Nhưng họ nói gì thì tôi không biết vì ngôn ngữ còn rất hạn chế. Dĩ nhiên, tôi phải học tiếng Pháp để giao tiếp và để làm những công việc khác. Tôi dành nhiều thời gian trong ngày để học tiếng Pháp vì tiếng Pháp khá khó.Tôi được cộng đoàn gửi đến trường Alliance Francaise để học Tiếng pháp. Mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng rưỡi. Lớp học có khoảng 12 học viên đến từ nhiều nước. Đây cũng là cơ hội để tôi biết thêm bạn bè mới và đôi chút văn hóa của các nước.
Hiện tại, tôi đang sống trong một cộng đoàn Dòng Chúa Thánh Thần tại thành phố Lille miền Bắc nước pháp. Cộng đoàn có 8 thành viên nhưng lại đến có đến 7 quốc tịch. Đây cũng chính là một nét đặc trưng của Dòng Chúa Thánh Thần, dòng quốc tế. Trải qua 4 tháng nơi đây, tôi thấy đời sống cộng đoàn rất được ưu tiên. Mặc dù mỗi người có công việc mục vụ riêng nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian cho các sinh hoạt cộng đoàn. Hằng ngày, chúng tôi có thánh lễ tại cộng đoàn, và 2 giờ cầu nguyện chung, các giờ cơm, giờ sinh hoạt chia sẻ vào tối thứ sáu hàng tuần, và đi thăm viếng chung vào chiều chủ nhật. Truyền giáo qua một cách thức “mở cửa” dành không gian của cộng đoàn và thời gian của mình cho người khác. Một điểm rất hay đó là sau mỗi thánh lễ sáng có một số giáo dân ở lại và dung bữa sáng chung với cộng đoàn. Hơn nữa, hàng tuần hoặc hàng tháng nhiều nhóm giáo dân đến khuôn viên của cộng đoàn để sinh hoạt, tập hát, múa cử điệu Lời Chúa, một số bạn trẻ đến cắm trại, một số hội đoàn đến họp mặt; và cộng đoàn cũng thường xuyên mời các bạn trẻ nhập cư đến cộng đoàn ăn cơm để đồng hành cùng họ,vvv.
Cộng đoàn thuộc Giáo xứ Saint-Maurice des Champs tọa lạc gần trung tâm thành Phố do một cha Dòng Chúa Thánh Thần phụ trách. Dù giáo xứ lớn và đông dân cư nhưng mỗi tuần chỉ có 1 thánh lễ Chúa Nhật duy nhất tại nhà thờ lúc 11h. Mỗi thánh lễ Chúa Nhật khoảng 150 người nhưng phần lớn là người lớn tuổi. Những ngày trong tuần có thánh lễ tại cộng đoàn và có giáo dân tham dự tầm 3-7 người. Các sinh hoạt tại giáo xứ cũng không nhiều; 2 tuần 1 lần sẽ có lớp giáo lý cho các em nhỏ. Ở pháp, đi đâu cũng gặp nhà thờ, nhà thờ rất đồ sộ và lộng lấy nhưng nhiều nhà thờ đã phải đóng cửa hoặc được sử dụng cho các mục đích khác vì không có người đi lễ. Có lần tôi đi ngang qua một nhà thờ và gặp một họa sĩ đang vẽ tranh. Trong lúc hỏi chuyện, tôi biết được ông cũng là người công giáo địa phương. Vì vậy, tôi đã hỏi ông về đời sống đức tin của người giáo dân ở đây thế nào. Ông đã trả lời “Chúa Giê-su khóc vì không còn người đến nhà thờ”. Đời sống đạo của người dân Pháp có lẽ không còn mạnh mẽ, không còn sốt sắng như trước, và ơn gọi Linh mục, tu sĩ cũng không còn nhiều. Tuy vậy, tôi thấy vẫn còn nhiều người sống đạo rất sốt sắng và số tu sĩ đến từ các châu lục khác cũng rất nhiều, đặc biệt là người Phi Châu.
Quãng thời gian ấy thật cần thiết và quý báu để tôi dần có thể thích nghi và hội nhập không chỉ với cuộc sống, văn hóa, con người, ngôn ngữ của người Pháp mà tôi còn sống với nhiều anh em đến từ Phi Châu, cả tu sĩ và giáo dân. Mỗi ngày sống là mỗi ngày nhận và cho đi bởi lễ có quá nhiều điều mới mẻ để cảm nghiệm, còn rất nhiều người cần được yêu thương, và ngày càng có nhiều người mong muốn được biết Thiên Chúa. Điều tôi có thể làm từng ngày khi sống ở Pháp không hơn đó là cố gắng sống đức tin đã được lãnh nhận qua cách sống chân thật, cởi mở, chia sẻ và trên hết luôn tin tưởng, cầu nguyện và phó thác nơi Thiên Chúa. Hãy tiếp tục cầu nguyện!
Đaminh Nguyễn Hồng Sang