Đến thăm đất nước Ấn Độ là một trong những giấc mơ của tôi khi tôi còn là một cậu bé. Tháng 6 vừa qua, giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật. Tôi đã dành một tháng ở thành phố Chennai, Ấn Độ cùng với hai thầy khác để chuẩn bị cho việc tuyên khấn trọn đời trong hội dòng Chúa Thánh Thần của chúng tôi. Trong suốt một tháng, tôi đã có cơ hội đến thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người khác nhau và tìm hiểu về văn hóa và di sản của Ấn Độ. Mọi thứ ở đây hoàn toàn khác biệt với đất nước Việt Nam của tôi. Con người, ẩm thực và văn hóa là những điều khiến tôi yêu Ấn Độ. Tất cả những điều đó đã làm cho bốn tuần của tôi ở Chennai trở thành một trải nghiệm không thể nào quên. Vì thế, tôi muốn chia sẻ một số điểm khiến tôi ấn tượng nhất về đất nước Ấn Độ.
Một nền văn hóa độc đáo
Văn hóa và truyền thống Ấn Độ rất đa dạng và độc đáo. Có nhiều khía cạnh khiến Ấn Độ trở nên duy nhất. Phụ nữ Ấn Độ luôn mặc những bộ sari sặc sỡ dù ở nhà hoặc ở nơi công cộng. Quần áo dành cho nam giới cũng được thiết kế rất độc đáo. Thực phẩm là một phần quan trọng khác của văn hóa ở Ấn Độ. Tôi đã được thử nhiều món ăn ngon ở Chennai. Các loại gia vị và thảo mộc được sử dụng rất nhiều trong các món ăn. Hầu hết các thành phố đều được biết đến với món ăn đặc trưng khác nhau. Trong thời gian ở Ấn Độ, tôi nhận ra rằng tôn giáo đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với thực phẩm. Người theo đạo Hindu không ăn thịt bò. Người Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ăn thịt bò, thịt cừu và thịt gia cầm nhưng không được ăn thịt lợn. Người công giáo có thể ăn tất cả các loại thịt và gia cầm. Nói chung, người Ấn Độ không thường xuyên ăn thịt. Ăn chay đã trở thành khẩu phần ăn của hầu hết các gia đình. Ăn bằng tay cũng là một nét độc đáo trong văn hóa Ấn Độ. Theo truyền thống, người ta ăn bằng các ngón tay của bàn tay phải, tay trái chỉ dùng để rưới cà ri lên cơm hoặc để cầm ly nước để uống. Mọi người phải rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước trước khi ăn. Tôi đã ăn bằng tay trong suốt thời gian ở đây. Tôi nhận thấy rằng chúng ta có xu hướng ăn chậm hơn khi ăn bằng tay và điều này rất tốt cho tiêu hóa của chúng ta. Một nét đặc trưng khác trong văn hóa Ấn Độ là “những con bò thần”. Con bò được coi là con vật linh thiêng trong đạo Hindu. Giết bò hoặc ăn thịt bò bị xem một tội lỗi. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều bò lang thang giữa trên khắp các con đường, ngỏ hẻm trong thành phố. Chúng tập trung tại các bãi rác để tìm thức ăn. Làm như vậy, chúng thật sự đã gây cản trở cho giao thông cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Một Giáo hội Công Giáo đang phát triển.
Gần đây, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, người Công giáo ở Ấn Độ chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ (khoảng 20 triệu người Công giáo). Giáo hội Ấn Độ được chia thành ba nghi thức chính đó là: Syro-Malabar, Syro-Malankara và nghi thức Latinh. Theo truyền thống, chính thánh tông đồ Tôma đã đến Ấn Độ để rao giảng Tin mừng. Trong thời gian ở Chennai, tôi có cơ hội viếng thăm rất nhiều nhà thờ công giáo. Tôi nhận ra rằng người Công giáo Ấn Độ thực hành đức tin của họ với lòng sùng mộ và tôn kính. Các nhà thờ luôn chật kín người tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật. Bên cạnh đó, Lễ hội và Các Đền Thánh cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hành đức tin của người Công giáo ở đây. Một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất là Đền thờ Đức Mẹ Velankanni, đây được cho là nơi Đức Mẹ đã hiện ra hai lần vào thế kỷ 16. Ngôi đền thánh này thu hút hàng triệu khách hành hương mỗi năm. Lòng sùng kính của người Công giáo đối với Đức Mẹ Velankanni là rất mạnh. Những hình ảnh của Đức Mẹ Velankanni có thể được nhìn thấy ở hầu hết các gia đình và trên các phương tiện giao thông khắp miền nam Ấn Độ. Đáng chú ý, có rất nhiều người theo đạo Hindu và đạo Hồi cũng hành hương đến Valankani để xin ơn. Hơn nữa, nhiều thanh niên nam nữ Ấn Độ sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa để sống trong các hội dòng khác nhau. Tôi đã gặp rất nhiều chủng sinh, các sơ và các thầy ở Chennai. Khuôn mặt họ luôn tràn đầy đức tin và niềm vui. Ngoài ra, các tổ chức xã hội và từ thiện như trại trẻ mồ côi, trường học dành cho trẻ em khuyết tật và nhà dưỡng lão đều do các tổ chức Công giáo điều hành. Theo nhiều cách, Công giáo Ấn Độ đang phát triển mạnh.
Di sản của các nhà truyền giáo Dòng Chúa Thánh Thần
Là một thành viên trẻ của Dòng Thánh Chúa Thánh Thần. Tôi luôn tự hào về những đóng góp của các thế hệ đi trước của hội dòng cho công việc truyền giáo. Trong chuyến đi Ấn Độ lần này, tôi có dịp đến thăm giáo xứ Đức Mẹ Các Thiên Thần ở Pondicherry. Đây là nơi mà các linh mục Dòng Chúa Thánh Thần đã từng phục vụ trong rất nhiều năm vào thế kỷ 18. Ngôi nhà thờ vẫn đươc gìn giữ rất đẹp và nguyên vẹn. Cha chánh xứ đã giới thiệu sơ lược cho chúng tôi về sự hình thành của giáo xứ cũng như những đóng góp của các thành viên Dòng Chúa Thánh Thần. Họ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trên vùng đất này. Tên của những linh mục đã phục vụ tại giáo xứ được ghi trang trọng trên một tấm bảng trong nhà mục vụ của giáo xứ. Chúng tôi cũng tham dự thánh lễ buổi sáng tại nhà thờ này. Khi đến đây, tôi cảm thấy thật sự tự hào và hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đến thăm ngôi mộ nơi chôn cất các thành viên của hội dòng đã qua đời tại thành phô này. Khi đứng cầu nguyện trước mộ của họ (một ngôi mộ rất đơn sơ), tôi nhận ra nơi họ tấm gương của những nhà truyền giáo chân chính, những người đã hy sinh tất cả để đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Lòng nhiệt thành truyền giáo của họ chính là nguồn cảm hứng cho ơn gọi truyền giáo của tôi.
Tình huynh đệ giữa các thành viên của Dòng Chúa Thánh Thần
Ngay từ ngày đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Ấn Độ, chúng tôi đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ các thành viên của hội dòng đang sống ở Chennai (3 thầy và 2 linh mục). Chúng tôi cũng gặp hai thành viên khác từ tỉnh Tanzania, Phi Châu đến để chữa bệnh. Tất cả chúng tôi đã sống với nhau trong tinh thần huynh đệ. Chúng tôi chia sẻ thức ăn với nhau, làm việc cùng nhau, chơi thể thao cùng nhau, v.v. Tôi đã có nhiều cơ hội nói chuyện với các thầy Ấn Độ và biết thêm về hành trình ơn gọi cũng như hoàn cảnh của họ. Họ cũng dạy tôi rất nhiều về văn hóa và phong tục Ấn Độ. Dù chỉ sống với nhau một tháng nhưng chúng tôi đã trở thành những người bạn rất thân. Sau khi trở về Manila, tôi nhớ họ rất nhiều. Bề trên cộng đoàn cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Cha đã lên kế hoạch và sắp xếp mọi thứ cho buổi lễ Khấn Trọn của chúng tôi được diễn ra cách sốt sắng và tốt đẹp. Tôi thật sự biết ơn họ. Tôi sẽ luôn nhớ những kỷ niệm đẹp về cộng đồng ở Chennai.
Ấn Độ là một đất nước tuyệt vời. Trong một tháng ở đây, tôi đã học được rất nhiều điều về con người, lịch sử và văn hóa của Ấn Độ. Tôi cũng vô cùng ấn tượng với lòng hiếu khách của họ. Tôi xin kết thúc bài chia sẻ của mình bằng một câu nói mà bề trên tỉnh dòng của tôi đã nói rất nhiều lần trong chuyến đi này, “Ấn Độ, thật đáng kinh ngạc!” Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại thăm đất nước xinh đẹp này.
Thầy Phêrô Phạm Thành Tâm CSSp(Manila, Philippines)