150
Ngay trong tuần đầu tiên đến ở trong Lao Chải, chúng con đã được Cha Sự dẫn đi khắp các khu vực của giáo họ và các giáo điểm thuộc vùng quản lý của Lao Chải, làm quen với nhiều gia đình giáo dân ở trong xứ, giáo dân chính ở trong Xứ chủ yếu là người H’Mông nên cũng thật khó khăn cho anh em chúng con tiếp cận, làm quen cũng như tìm hiểu về văn hoá người H’Mông vì sự khác biệt về ngôn ngữ.
Đôi lúc, con chợt nhận ra rằng, trong khi chúng ta sống trong thời kỳ hiện đại của loài người nhưng vẫn còn đó những người còn lạc hậu trong nếp sống cũ, cuộc sống trong bóng tối. Người H’Mông tuy có nhiều đức tính tốt nhưng nỗi trội nhất là sự tương trợ nhau dù không phải người thân thích. Họ có đức tính thật thà, không biết gian dối, luôn sống ngay thẳng. Họ vẫn còn đó những tập tục xưa như: tảo hôn- trẻ em người H’Mông ít được cho học hành đầy đủ. Các em sau khi học xong lớp 9 đã phải đi lấy chồng cưới vợ, lập gia đình, họ vẫn còn đam mê uống rượu. Cuộc sống của họ rất khó khăn vì kinh tế chủ yếu lệ thuộc vào việc trồng lúa hay đi làm thêm những ngày không phải ra đồng.
Đời sống Đạo đến với cuộc đời của bà con người H’Mông bởi các Cha, các Dì, ngày ngày các Cha và các Dì dạy cho họ cách sống theo lời Chúa để hướng họ đến con đường mới, lối sống mới, hướng dẫn họ thoát ra khỏi sự tối tăm trong chính cuộc đời chính họ. Không chỉ là đi tìm kiếm cái ăn, các mặc nữa mà còn là cả cách sống, cách ứng xử với nhau làm sao cho hoà hợp, vui vẻ. Điều này đã giúp cho người dân nơi đây có một cái nhìn khác, không còn phải chỉ biết đến bản thân nhưng là suy nghĩ cho một cộng đoàn, một giáo họ và giáo xứ. Lời của Chúa thực sự hiện hữu và tác động đến những con người đang sống ở vùng núi Tây Bắc này như trong Lời chúc Tụng của Zachariah:
“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.
Công việc chính chúng con là cùng với các Dì dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Con chịu trách nhiệm lớp Sống Đạo. Thầy Dâng phụ trách lớp Thêm Sức. Việc giảng dạy giáo lý cho các em cũng là công việc với nhiều niềm vui. Các em nhỏ ở đây rất hoạt bát, có chút tinh nghịch nhưng tâm hồn trong sáng, ngây thơ và gần như không có sự gian dối trong cuộc sống. Sự giản dị là điều dễ nhận ra nhất ở người dân nơi đây. Những ngày tháng cùng học, cùng vui chơi, và tham dự thánh lễ với các em đã cho chúng con thêm những kỷ niệm đẹp, nó rất ý nghĩa cho đời sống ơn gọi của chúng con vì chúng con được cảm nghiệm rằng Chúa đang dùng chúng con như những công cụ của Ngài mà đem Chúa đến với tha nhân.
Ngoài công việc dạy giáo lý, chúng con cũng phải đến những giáo điểm, giáo họ trong xứ để cùng Cha Dâng Lễ, dạy họ giáo lý căn bản, hay học cách đối đáp trong Thánh Lễ bằng chính tiếng H’Mông, lắng nghe, tìm hiểu về đời sống của các giáo dân ở nơi đây.
Một rào cản lớn khi chúng con đến với những vùng giáo điểm/ giáo họ là ngôn ngữ. Người H’Mông là dân tộc chính ở trong khu vực Lao Chải này. tiếng H’Mông lại là ngôn ngữ chính ở đây, bên cạnh tiếng H’Mông, người dân được học hành đầy đủ họ vẫn có thể giao tiếp bằng tiếng Kinh. Nhưng các hoạt động phụng vụ muốn dễ gần với người dân hơn thì cũng phải biết tiếng H’Mông.
Những giáo điểm nhỏ như Hoàng Liên, Dền Thàng chúng con mượn nhà của giáo dân làm địa điểm quy tụ bà con giáo dân xung quanh để dạy họ về Thánh Lễ, dạy trẻ em cách đáp trong thánh lễ, và tập hát cùng họ. Đây cũng là dịp cho chúng con có cơ hội được học hỏi biết thêm một hình thức hoạt động truyền giáo giúp đỡ cho người dân nơi vùng xa xôi hẻo lánh. Những lần được đi đến các giáo điểm vào những ngày cuối tuần là những khoảnh khắc ấn tượng trong lòng con, khi mình đang cảm nghiệm đến những nơi mà con người đang sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và cách người dân nơi đây cho chúng con thấy đức tin của họ trong Chúa khác với người miền xuôi chúng ta ra sao.
Tuy công việc của chúng con không tạo được nhiều kết quả vì phần cản trở từ ngôn ngữ văn hoá, điều kiện vật chất thiếu thốn, địa lý xa xôi chúng con không có nhiều cơ hội tiếp xúc cùng sinh hoạt phụng vụ với bà con người thiểu số Giáo xứ Sapa này nhưng mọi công việc chúng con làm ở nơi đây đều để lại cho không chỉ người dân nơi đây mà chính bản thân chúng con ít nhiều ấn tượng đẹp khi đi truyền giáo, đó là sự nhẫn nại trong công việc, luôn vui vẻ với mọi khó khăn, mang một trái tim bao dung với mọi người, biết trân trọng nhau khi nhìn thấy những người không có được điều kiện và khả năng như chính mình. Đồng thời biết cách sống cho đi nhiều mà không mong chờ sự đền đáp.
Br. Anthony Hóa Công Hoàng Phong