Đêm trở lạnh, gió len vào hồn báo hiệu trời lập đông. Bừng tỉnh giấc với không gian ngập tràn sắc tím. Không phải màu tím trầm buồn nhưng là màu tím tràn hy vọng. Mới chớm Mùa Vọng nhưng nhiều nơi đã rộn rã trang hoàng để đón Giáng Sinh. Nhưng Giáng Sinh có nghĩa gì khi ngôi nhà tâm hồn còn nhiều lắm những bộn bề, lo toan, ngập đầy rác rưởi tội lỗi và bị giăng kín bởi những giận hờn, hơn thua. Đường vào tâm hồn đã đóng, còn lối nào cho Chúa đâu?
Nhiều người nghĩ Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị để mừng đại lễ Giáng Sinh kỷ niệm Chúa đến lần thứ nhất. Tuy nhiên, đừng quên Mùa Vọng còn là thời gian chuẩn bị trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện để đón Chúa đến trong ngày cánh chung, ngày tận thế. Và giữa hai lần Chúa đến, chúng ta cũng không biết Chúa đến cách riêng với mỗi người vào ngày nào, giờ nào vì chẳng ai biết khi nào mình sẽ chết.
Vì thế, chẳng lạ gì mà mở đầu Mùa Vọng, bài Tin Mừng lại nói đến ngày cánh chung, ngày Chúa đến để phán xét. Ngày ấy sẽ đến một cách bất ngờ như chiếc lưới chụp xuống mọi người trên mặt đất. Nhiều người sẽ sợ hãi kinh hồn vì họ chưa sẵn sàng, vì họ lòng họ còn nặng nề bởi chèn chén say sưa và lo lắng việc đời.
Người say sưa thì nào có thiết tha hay quan tâm gì đến những chuyện khác. Đó là tình trạng của những người sống trôi nổi, mặc cho dòng đời đẩy đưa mà chẳng quan tâm đến ngày mai, đến số phận tương lai của mình. Những người tưởng rất tỉnh nhưng lại đang say. Say vì sống trong tình trạng khô khan, nguội lạnh, không thiết tha gì đến việc xưng tội, rước lễ, lãnh nhận các bí tích. Có người cả hơn chục năm không xưng tội. Họ thả nổi số phận đời sau, muốn tới đâu thì tới.
Có người thì say sưa trong những giận hờn, ganh ghét. Rượu vào thì lời ra nên họ không làm chủ được miệng lưỡi, thích chỉ trích và nói xấu người khác. Người say thì không biết trân trọng hạnh phúc của mình và của những người xung quanh. Nếu họ biết ngày mai Chúa đến viếng thăm, chắc chắn họ không có thời gian để bận tâm đến những giận hờn, hơn thua, những tổn thương do người khác gây ra mà nặng lòng thù ghét. Nhưng cũng lạ là có người sắp nhắm mắt xuôi tay mà nhất định không chịu tha thứ. Như vậy khi ra trước mặt Chúa, sao được Chúa thứ tha?
Những người lo lắng việc đời là những người chỉ lo kiếm tìm những giá trị ở đời này: tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức quyền mà không quan tâm đến đời sau. Họ quên rằng cái chết có thể thình lình đến với họ. Khi đó, mọi của cải chóng qua nào có ý nghĩa gì? Chỉ khi có một cú ngã thật đau họ mới tỉnh ngộ.
Có một đại gia nói với một thầy giúp xứ: Thầy ơi, tất cả những gì tôi có là do tôi vất vả làm nên. Ngày xưa, tôi nghèo, tôi xin Chúa cho trúng số mà xin hoài Chúa chẳng cho. Chúa chẳng ban cho tôi gì cả. Tôi phải tự nỗ lực, phải vất vả lắm mới có được như ngày hôm nay.
Ông ấy bận rộn với công việc kinh doanh nên cũng chẳng đến nhà thờ. Một hôm thầy xứ gặp ông đi lễ. Thầy hỏi: “Ông Hai, lâu quá mới gặp”. Ông Hai nghẹn ngào với hàng mi ngấn lệ. “Con bị ung thư rồi thầy ơi!”. Cái chết đến gần, ông mới nhận ra tất cả những gì ông vất vả kiếm tìm chẳng đổi lại cho ông mạng sống và những thứ chóng qua đó lại càng không đem lại cho ông sự sống đích thực. Cái chết cận kề ông mới khóc vì hối hận.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như ông Hai, có thời gian để chuẩn bị vì vậy phải luôn sẵn sàng, tỉnh thức và cầu nguyện. Chúa sẽ đến bất ngờ. Hãy sống ngày hôm nay như ngày mai mình sẽ chết.
Mùa Vọng – mùa hân hoan, ngập tràn hy vọng, hãy ra khỏi cơn say để đón chờ Chúa đến.
Nguyễn Hoàng